Thực hành chữ "liêm" theo lời Bác

Thứ Năm, 10/10/2019, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Lý luận đạo đức của Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng và theo Người giá trị của đạo đức đó được quy tụ trong 4 đức: “Cần, kiệm, liêm, chính”. Đặc biệt Người coi trọng đức “liêm”, bởi đây là phẩm chất được xã hội đề cao và cán bộ, đảng viên luôn đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh tư liệu.

Bác Hồ bàn về chữ “liêm”

Từ rất sớm và trong nhiều tác phẩm Bác Hồ đã đề cập chữ “liêm”. Người nhìn nhận chữ “liêm” trên mọi khía cạnh, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất bản chất của phạm trù đó trong tư tưởng của mình.

Người đưa ra định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng: Liêm “là liêm khiết”, “là trong sạch, không tham lam”. Liêm khiết và trong sạch đến mức không có gì tư túi, khuất tất, bất minh: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham sống. Không ham người tâng bốc mình”. Đã mang danh hiệu cán bộ, đảng viên: “Dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết”.

Nhưng khi: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, đó là hành vi “bất liêm”. Người lý giải: Tham tiền dẫn đến đục khoét của dân, trộm cắp của công; tham danh vọng, địa vị dẫn đến việc dìm người giỏi, mua bán danh vị, nịnh trên, nẹt dưới; tham nhàn dẫn đến ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy công việc, khi có công thì tranh, khi có tội thì đổ vấy; tham sống dẫn đến hèn nhát, thấy việc nghĩa không dám làm, gặp giặc không dám đánh; tham quyền, cậy thế ắt sẽ tìm mọi cách đục khoét dân, ăn của đút, trộm của công làm của tư…

Bất liêm gắn liền với lòng tham, dẫn đến trộm cắp bất cứ cái gì, bất cứ của ai. Đã bất liêm, thì dù “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp” đều là hành vi “trộm cắp”, vô liêm sỉ, không còn sự day dứt, xấu hổ khi làm điều xấu xa. Bất liêm đồng nghĩa với việc con người bị tha hóa tột cùng về mặt nhân cách, phẩm giá, làm băng hoại mọi giá trị đạo đức tốt đẹp.

Người coi đức liêm là thước đo đạo đức và cũng là thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Có liêm, sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, giấu diếm; “tâm sẽ sáng, trí sẽ thông”; biết phân biệt đúng sai, xấu tốt, biết tự răn mình tránh điều xấu xa; tạo ra uy tín và sự kính trọng đối với mọi người; tạo sức mạnh góp phần làm cho đất nước “giàu về vật chất, mạnh về tinh thần,… văn minh, tiến bộ”. Nếu không giữ được liêm thì dù có “muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.

“Liêm” là phạm trù đạo đức, xây dựng đức liêm là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, chông gai. Người đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các đoàn thể phải thường xuyên, kiên trì tuyên truyền, giáo dục toàn dân thực hành đức liêm. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên “phải thực hành chữ liêm  trước, để làm kiểu mẫu cho nhân dân”. Không ngừng nâng cao dân trí: “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm”, nâng nhận thức để nhân dân “biết quyền hạn của mình, biết kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ liêm”. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương “thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Thực hành đức “liêm” trong giai đoạn hiện nay

Cơ chế thị trường là “chìa khóa vàng” mở đường giải phóng và khai thác mọi tiềm năng, làm cho kinh tế đất nước phát triển vượt bậc. Nhưng mặt trái của nó, hàng ngày, hàng giờ vẫn trực tiếp tác động làm cho con người luôn nghĩ về lợi ích cá nhân, nhất là lợi ích vật chất. Mỗi khi chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, sẽ gây ra một trong những thách thức lớn nhất đó là trình trạng bất liêm.

Tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, nhưng chưa được đẩy lùi. Chỉ sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng, Nhà nước, nhân dân đã phát hiện và xử lý hơn 60.000 cán bộ, đảng viên, trong đó chủ yếu là hành vi vi phạm đức liêm. Thực trạng đó càng thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng và thực hành đức liêm trở nên bức thiết, cấp bách hơn bao giờ hết.

Tấm gương thực hành chữ “liêm” đã tạo nên hình ảnh và nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh. Không thể khác, để rèn luyện và thực hành đức liêm chúng ta phải biết thức tỉnh con người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là những người giữ cương vị trọng trách thấu hiểu đến tận cùng giá trị của liêm sỉ; luôn tự trọng, cầu thị, biết lấy tấm gương của Bác để tự soi, tự răn, tự chỉnh đốn, ngăn chặn bản thân khi có nguy cơ làm những điều sai trái. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức sâu sắc, rằng: “Tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”, “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”; những hành vi đó, trước sau cũng bị đưa ra ánh sáng và “khi lộ ra bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng”.

Sự tự giác của mỗi người xây dựng, rèn luyện, phát huy đức liêm trong cuộc sống và công tác trên mọi cương vị được giao là điều vô cùng quan trọng. Nhưng hành vi đó nhất thiết phải được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, tổ chức, kỷ luật, kỷ cương, phép nước. Càng sớm càng tốt cần xây dựng cơ chế cụ thể, rõ ràng để huy động tối đa nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn bất liêm; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, có chính sách dưỡng liêm thỏa đáng, có biện pháp trừng trị nghiêm khắc, công khai hành vi bất liêm, tạo môi trường mà ở đó, bất kể ai cũng: “Sợ tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng”.

NGUYỄN QUANG PHI  

 
;
.