KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10)

Dân vận khéo việc gì cũng thành công

Thứ Hai, 14/10/2019, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng luôn xem công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, xuyên suốt. Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về công tác dân vận và kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua.

“Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một trong những mô hình “Dân vận khéo” được các cơ sở Đoàn trong tỉnh tích cực triển khai trong thời gian qua. Trong ảnh: ĐVTN Khối Cơ quan và DN tỉnh thực hiện công trình thanh niên “Cứng hóa đường giao thông nông thôn” tại tổ 6, ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
“Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một trong những mô hình “Dân vận khéo” được các cơ sở Đoàn trong tỉnh tích cực triển khai trong thời gian qua. Trong ảnh: ĐVTN Khối Cơ quan và DN tỉnh thực hiện công trình thanh niên “Cứng hóa đường giao thông nông thôn” tại tổ 6, ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

• Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện lời dạy của Người như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Đồng: Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, trong đó Người đúc kết: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, đòi hỏi công tác dân vận phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa nhằm huy động tối đa sức người, sức của cho kháng chiến. Lời dạy của Người càng trở thành minh chứng sống động khi trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, công tác dân vận thực sự trở thành cầu nối khi Đảng tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn nào, BR-VT cũng đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm phối hợp thực hiện nghiêm túc công tác này và đạt được nhiều kết quả thiết thực, qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

• Phong trào “Dân vận khéo” thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình trên nhiều lĩnh vực. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả của phong trào này?

- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, cơ sở... Các cấp, các ngành đã xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chung tay vì người nghèo, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký xây dựng và phát huy tác dụng tốt, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, phong trào “Dân vận khéo” ở một số nơi chưa phát huy hiệu quả, chưa thực chất. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện phong trào. Công tác phát động, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp còn hạn chế. Một số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng nhưng chất lượng và nội dung chưa phù hợp, chưa bám sát những vấn đề bức xúc trong nhân dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, việc đăng ký xây dựng mô hình, điển hình ở một số địa phương, đơn vị còn chạy theo thành tích, chưa được quan tâm đầu tư xây dựng nên chất lượng, hiệu quả còn thấp.

• Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào cần thực hiện trong thời gian tới, thưa ông?

- Hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò, tham mưu của Ban Dân vận cấp ủy và vai trò nòng cốt của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân trong việc triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghiên cứu xây dựng các mô hình điểm, duy trì và phát triển bền vững những mô hình hiệu quả; đăng ký thực hiện những mô hình mới có sức lan tỏa.

Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Trên cơ sở đó, tổng hợp các mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo để phổ biến và nhân rộng trên địa bàn. Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, biểu dương và khen thưởng kịp thời những cách làm hay, có tính sáng tạo.

• Xin cảm ơn ông!

NHÂN ĐOÀN

(Thực hiện)

 
;
.