.
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Sẽ kéo dài thêm 3 ngày, tăng thời gian hỏi đáp giữa đại biểu và các bộ trưởng

Cập nhật: 20:33, 18/10/2019 (GMT+7)

Điểm mới của kỳ họp lần này là sẽ kéo dài thêm 3 ngày để tăng thời gian cho các đại biểu hỏi và các bộ trưởng trả lời. Bên cạnh đó, Quốc hội vẫn duy trì cách thức hỏi nhanh đáp gọn, hỏi 1 phút và trả lời 3 phút/câu hỏi để có nhiều ý kiến được hỏi.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8,  Quốc hội khoá XIV.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, diễn ra ngày 18/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho các đại biểu rất hiệu quả. Từ kinh nghiệm ở kỳ họp trước và tiếp thu những đóng góp để tiếp tục hoàn thiện, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ đưa vào sử dụng phần mềm bản đầy đủ với rất nhiều ứng dụng, hỗ trợ cho các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, mỗi đại biểu được phát một chiếc ipad có cài phần mềm và trên điện thoại di động mỗi cá nhân, các đại biểu có thể xem tài liệu của kỳ họp ở bất kỳ đâu; phần mềm cũng tích hợp thông tin báo chí để các đại biểu nắm được và có thể trao đổi, tương tác với nhau dễ dàng. Trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng hiệu quả vào trong phần mềm này như: Công nghệ chuyển đổi từ giọng nói thành văn bản giúp đại biểu “nhàn” hơn rất nhiều và có thể xem lại những nội dung đã trình bày; việc tra cứu luật, các văn bản cũng đơn giản hơn chỉ bằng thao tác gõ các từ khoá chính, phần mềm sẽ một loạt các văn bản liên quan để lựa chọn. Hay việc cung cấp cho đại biểu các dự án luật cũng đa chiều với rất nhiều thông tin kể cả trong nước và nước ngoài.

“Ngoài phần mềm này ra, tại kỳ họp này, Quốc hội còn cung cấp thêm 2 phần mềm tại thư viện Quốc hội phục vụ các đại biểu. Đặc biệt phần mềm tài liệu kỹ thuật số với chức năng cung cấp các tài liệu để tra cứu tức thời, đại biểu trong cuộc họp cần nội dung gì có thể hỏi và bên ngoài sẽ ngay lập tức cung cấp. Qua đây cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm được thời gian cho các đại biểu, tiết kiệm chi phí in sao tài liệu, thời gian chạy công văn, giấy tờ cho kỳ họp rất nhiều so với trước kia”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Thông báo về chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm 2019; là năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tại kỳ họp này, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác là 11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Điểm mới của kỳ họp lần này là sẽ kéo dài thêm 3 ngày để tăng thời gian cho các đại biểu hỏi và các bộ trưởng trả lời. Bên cạnh đó, Quốc hội vẫn duy trì cách thức hỏi nhanh đáp gọn, hỏi 1 phút và trả lời 3 phút/câu hỏi để có nhiều ý kiến được hỏi.

Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 21/10 tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). Theo chương trình dự kiến kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ) và bế mạc vào ngày 27/11.

Đặc biệt, các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ này là: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

TẠ NGUYÊN

.
.
.