Chính sách đối với người có tài năng; hình thức kỷ luật giáng chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới... là những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong phiên làm việc sáng 24/10.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ, chiều 24/10 về Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HUỲNH KHÁNG |
Góp ý về các hình thức kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu khẳng định, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về đảng và xử lý kỷ luật về hành chính nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, “thống nhất, đồng bộ” không có nghĩa là bên Đảng có hình thức kỷ luật nào thì bên Nhà nước phải có hình thức kỷ luật như vậy mà là sự thống nhất, đồng bộ về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật. “Giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau”, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng).
Đại biểu cho rằng, việc quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có những điểm bất hợp lý, về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là tư cách chức vụ.
Quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức. Chẳng hạn, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc, họ cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.
Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Từ quan điểm đó, đại biểu đề nghị không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân, huy chương.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chỉ ra, khi cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu về địa phương thì không còn trong biên chế, không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương hưu qua hệ thống bảo hiểm xã hội, đưa đối tượng này vào luật rất là khó, khiên cưỡng.
Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo dự thảo Luật, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Đánh giá luật chưa định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị, đó là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật là phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để đời…
Tranh luận với quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt vấn đề, nhiều tỉnh thành có chính sách “trải thảm đỏ” mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc, nhiều nơi cử nhân tài đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, song có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ trong đó đóng góp được cho các tỉnh, thành. Rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; nhiều lái xe ôm là thạc sĩ. “Xin hỏi những người đó, đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm.
Ông cho rằng, nhân tài muốn phát triển cần có môi trường đào tạo tốt. Tuy nhiên, người có tài nhưng tâm không tốt thì chúng ta không cần. “Thực tế, nhiều người có đủ yếu tố như vừa giỏi, vừa có môi trường cống hiến, vừa có nhiệt huyết, nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước, mà chỉ lo vun vén cá nhân, lợi ích nhóm… Người có tài mà không có tâm là người phá hoại, có tâm mà không có tài là người vô dụng. Do vậy, nhân tài phải tổng hòa giữa người có tài, có tâm, chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho đất nước”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bày tỏ, để đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả ngành nghề, lĩnh vực là rất khó, do đó, trong phạm vi giới hạn của dự luật này chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ, tức đối tượng là cán bộ, công chức và giao Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với người có tài năng vào hệ thống các cơ quan, tổ chức chính trị.
Về cơ quan và người có thẩm quyền xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ và khung chính sách đối với đối tượng này, dự thảo Nghị định hướng dẫn dự luật đã dự kiến. Theo đó, người đứng đầu có trách nhiệm trong việc rà soát người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ. Khung chính sách đối với người có tài năng tập trung vào các lĩnh vực là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương… Chính phủ sẽ ban hành chính sách chung, trên cơ sở đó, các địa phương và cơ quan xây dựng chính sách cụ thể.
Buổi chiều Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Các đại biểu thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
THANH VÂN