Ngày 23/10, Quốc hội dành trọn cả ngày để thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. |
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công.
Tuy nhiên, trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, hai vấn đề: tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa được quan tâm và gây tranh luận nhiều nhất.
Hài hòa lợi ích
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành. Nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa để bảo đảm sức khoẻ cho NLĐ và cho rằng, điều này đi ngược lại xu hướng chung của thế giới. Để tăng năng suất lao động, DN phải đổi mới, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đưa ra, nên giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Trước những đề xuất, ý kiến không nới rộng khung giờ làm thêm, nhiều DN lại cho rằng, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi được thông qua tại Quốc hội lần này, phải cân nhắc, đảm bảo tổng hòa lợi ích các bên là quốc gia, DN và NLĐ.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, đứng ở góc độ lợi ích cho ba vị trí là doanh nghiệp, người lao động và quốc gia, mức giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần như hướng sửa đổi đưa ra nên được cân nhắc. Bởi người lao động chỉ được nghỉ thêm một ít thời gian, còn với doanh nghiệp, việc giảm 4 giờ làm đồng nghĩa phải tuyển thêm 10% lao động. Doanh số của doanh nghiệp vì thế cũng sẽ giảm khoảng 9%, kéo theo là kim ngạch xuất khẩu giảm. Lợi ích của người lao động là chính đáng, cần xem xét. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và lộ trình đó sẽ giúp cho tất cả các bên tận dụng được tối đa các cơ hội.
Linh hoạt chính sách
Trong lúc vấn đề mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa đang có nhiều tranh luận, dự thảo Luật đưa ra theo hướng sửa đổi tăng tuổi nghỉ hưu cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.
Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Hội LHPN Việt Nam trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng. 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng NLĐ cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, con số khảo sát cho thấy nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt. Những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, người lao động không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định.
Trước những ý kiến nhiều chiều về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) nói chung cũng như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, giải quyết tốt nhất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, vừa thúc đẩy thị trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, xa hơn là thúc đẩy nền kinh tế phát triển là việc làm cần thiết. “Băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, có lẽ lực lượng băn khoăn nhiều hơn cả là NLĐ trực tiếp và NLĐ nặng nhọc, độc hại, rồi lao động suy giảm sức khỏe. Cần phổ biến cho người lao động hiểu, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung của những NLĐ bình thường, trong điều kiện bình thường. NLĐ làm việc nặng nhọc, độc hại vẫn nghỉ hưu trước 5 năm. NLĐ làm trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, cộng thêm suy giảm nữa, có thể nghỉ hưu trước 10 năm, 15 năm” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đối với vấn đề giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết. Trong phương án trình, Bộ sẽ cân nhắc tới việc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển, đồng thời phải chăm lo cho NLĐ.
Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11.
HẠNH QUỲNH