.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Còn nhiều ý kiến khác nhau về số lượng cấp phó Hội đồng Nhân dân

Cập nhật: 20:44, 25/10/2019 (GMT+7)

Sáng 25/10, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội còn nhiều quan điểm khác nhau về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến.

Đa số đại biểu thống nhất việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.

Đối với HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến tán thành giảm số lượng cấp phó. Tuy nhiên, đối với HĐND cấp tỉnh, vẫn còn các luồng ý kiến khác nhau, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành gồm 2 phó chủ tịch HĐND, song cũng có đại biểu đề nghị quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí một phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cấp tỉnh nên có 2 phó chủ tịch HĐND chuyên trách, không phụ thuộc chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm, vì lý do định hướng của Đảng hiện nay trong việc bố trí nhân sự dự kiến bí thư sẽ kiêm chủ tịch UBND hoặc HĐND, đa số bí thư sẽ là cbhủ tịch HĐND... Về phó chủ tịch HĐND cấp huyện, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng dứt khoát phải giảm 1, chỉ còn 1 phó.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh), tinh gọn bộ máy, biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, việc này cả hệ thống chính trị đều phải làm, tuy nhiên, không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ nhiệm vụ từng cơ quan, nơi nào không tương ứng thì giảm hoặc tăng để phù hợp với nhiệm vụ mà cơ quan đó được giao. Để nâng cao năng lực cơ quan dân cử, để thực quyền, đủ lực thực hiện nhiệm vụ, cần xem lại các cấp cho hợp lý, có nơi cần giảm nhưng có nơi phải tăng.

Nhất trí với quy định về số lượng đại biểu HĐND như dự thảo Luật, đại biểu cho rằng phải tăng đại biểu chuyên trách để cơ quan dân cử hoạt động chuyên nghiệp, tiến tới tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cơ quan dân cử. Đề nghị tăng biên chế chuyên trách HĐND cấp tỉnh, thường trực các ban HĐND phải đủ lực hoạt động nên phải tính toán số lượng cấp phó phù hợp. Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách hoặc không tùy thuộc tình hình cụ thể, nhưng phải có 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

“Nếu Quốc hội thấy khó quá về biên chế thì cũng không nên cào bằng các tỉnh. Những thành phố lớn, tỉnh có đông dân số thì số lượng đại biểu HĐND đông, luật cần có độ mở nhất định và không nên cào bằng”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất.

Bà cũng đề nghị không quy định cào bằng số lượng phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh. Ví dụ được đại biểu này đưa ra là ở TP.Hồ Chí Minh có 2 phó trưởng ban chuyên trách là cần thiết, nếu giảm đi sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của các ban chuyên trách, hoạt động thẩm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, Luật lần này nên có quy định về thẩm quyền tổ chức giải trình của các ban HĐND cấp tỉnh. Các ban có thẩm quyền lớn, phụ trách nhiều nội dung, những vấn đề phát sinh tại địa phương không nhất thiết phải là thường trực HĐND đứng ra giải trình mà các ban giải quyết. Thực tế tại TP.Hồ Chí Minh, việc giao cho ban tổ chức giải trình cho thấy tính kịp thời cao, giải quyết được vấn đề cụ thể.

Cho rằng tổ chức bộ máy là một yếu tố quan trọng để bảo đảm nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nghiên cứu sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đảm bảo hiệu lực, thực quyền của HĐND.

CHU THANH VÂN

.
.
.