.

Vướng "rào cản", thanh niên khó khởi nghiệp

Cập nhật: 20:12, 30/09/2019 (GMT+7)

Kỳ 1: Những tín hiệu vui

Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, được sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình và tổ chức Đoàn, Hội, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công, có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho các lao động khác. Đây là những tín hiệu vui trong hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh.
 
Anh Trần Duy Tuấn hướng dẫn người lao động từng đường may của sản phẩm.
Anh Trần Duy Tuấn hướng dẫn người lao động từng đường may của sản phẩm.
 
LÀM GIÀU TRÊN QUÊ HƯƠNG

Anh Trần Duy Tuấn (thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) là một trong những thanh niên tiêu biểu của xã về phát triển kinh tế. Tốt nghiệp đại học, anh có công việc tốt, nhiều năm làm nhân viên marketing cho một DN tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 năm trước, anh quyết định về quê, cùng người chị gái mở cơ sở may công nghiệp. Với số vốn gần 400 triệu đồng, anh đầu tư 20 thiết bị, gồm: máy may, cắt vải, vắt sổ… chuyên nhận may đồng phục, áo sơ mi, găng tay, quần áo bảo hộ lao động cho các đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ cẩn thận, tỉ mỉ trong từng đường may, giá cả cạnh tranh, hàng may sẵn tại xưởng của anh ngày càng được khách hàng tin tưởng. Hiện nay, cơ sở may của anh đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. “Tôi dự định năm tới sẽ mua thêm 10 máy may, vắt sổ và thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất, đồng thời hướng tới thị trường mới là các trường học trên địa bàn huyện. Dự kiến, từ năm thứ 4, tôi sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lãi”, anh Tuấn nói.

Trong khi đó, anh Huỳnh Thanh Sỹ (khu phố Bến Đình, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) chọn mô hình trồng nấm bào ngư để phát triển kinh tế. Xuất phát từ phong trào khởi nghiệp của địa phương, anh Sỹ cùng các ĐVTN trong phường được đi tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh và anh quyết định chọn trồng nấm. Tháng 6/2018, anh làm nhà nấm với diện tích 50m2 và trồng thử nghiệm gần 7.000 phôi nấm bào ngư. Sau 2 mùa, anh đã trả hết khoản vay 35 triệu đồng đầu tư ban đầu. “Tôi dự định cuối năm nay sẽ trồng thử nghiệm nấm rơm trên phôi nấm bào ngư. Tôi tin rằng sẽ thành công với cây nấm rơm và có thu nhập ổn định hơn”, anh Sỹ chia sẻ về kế hoạch sắp tới.

Anh Huỳnh Thanh Sỹ kiểm tra phôi nấm trước khi thu hoạch.
Anh Huỳnh Thanh Sỹ kiểm tra phôi nấm trước khi thu hoạch.

 

Tương tự, anh Quảng Đình Thới (khu phố 2, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) cũng là một thanh niên tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tốt nghiệp ngành vận hành thiết bị cơ khí nhưng anh Thới lại “rẽ ngang” sang hướng đi mới là nuôi tôm. Năm 2015, anh vay mượn gia đình, cùng số vốn tích lũy, tổng cộng gần 300 triệu đồng. Anh thuê 14ha mặt ao ở tổ 7, thôn 9, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu để nuôi tôm sú, kết hợp nuôi cua, cá các loại. Hiện nay, thu nhập của anh đạt gần 200 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng/người.

ĐỒNG HÀNH VỚI THANH NIÊN

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên được các cấp Đoàn trong tỉnh triển khai bằng nhiều giải pháp như: tuyên truyền, định hướng cho thanh niên trong công tác chọn ngành, chọn nghề; hỗ trợ thanh niên vốn đầu tư ban đầu; hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn.

Qua khảo sát những mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên cho thấy, việc được định hướng là yếu tố rất quan trọng, giúp thanh niên hiểu nhu cầu của thị trường để lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm được đầu ra. Bên cạnh đó, những khóa tập huấn về khoa học - kỹ thuật giúp thanh niên có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Không chỉ vậy, đoàn thanh niên các cấp còn tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn khi thực hiện các mô hình lập nghiệp, khởi nghiệp.

Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có gần 255 ngàn thanh niên, trong đó khoảng 160 ngàn thanh niên có mặt tại địa phương. Thời gian qua, các cấp Đoàn đã quan tâm công tác vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cấp Đoàn tiếp tục duy trì và củng cố tổ hợp tác, CLB giúp nhau lập thân, lập nghiệp, duy trì quỹ khuyến học, quỹ tiết kiệm, xoay vòng vốn nhằm giúp ĐVTN khó khăn vươn lên lập nghiệp; duy trì phong trào xoay vần đổi công trong lao động nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 151 CLB, tổ hợp tác thanh niên giúp nhau làm kinh tế với 1.670 ĐVTN tham gia.Riêng với nguồn vốn giải quyết việc làm 120 do Trung ương Đoàn phân bổ, đã có 385 triệu đồng được giải ngân, giúp 10 thanh niên thực hiện dự án nuôi bò sinh sản; Quỹ “khởi nghiệp” đã giải ngân 500 triệu đồng cho thanh niên vay không tính lãi trong 1 năm.

Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, những năm qua, từ nguồn vốn giải quyết việc làm 120, vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn “khởi nghiệp”, nhiều ĐVTN đã được hỗ trợ kịp thời về ý tưởng, kết nối, giao lưu và liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh. “Trước đây, thanh niên chủ yếu vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, thì nay nhiều mô hình mới đã được thanh niên lựa chọn khởi nghiệp, lập nghiệp như: kinh doanh tạp hóa, mở xưởng sản xuất, làm hàng thủ công… Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp đó bước đầu đã tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm và thị trường, giúp thanh niên ổn định kinh tế bản thân và gia đình”, anh Minh nhận định.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH
(Xem tiếp kỳ sau).

.
.
.