Sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân, mà ở đó mỗi người có đóng góp tùy theo vị trí, tâm huyết và trí tuệ của mình. Với Tổng Bí thư Trường Chinh, trong công cuộc đổi mới đất nước ông được Đảng và nhân dân tôn vinh là “tác giả” khởi xướng, đặt nền móng và là người đi tiên phong của Đổi mới.
Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) chúc Tết cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Thành Công - nơi xé rào đột phá về sản xuất công nghiệp vào tháng 1/1985. (Ảnh tư liệu) |
63 năm hoạt động cách mạng (1925-1988), với 17 năm giữ trọng trách Tổng Bí thư, 15 năm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, 7 năm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Bất cứ cương vị nào, Tổng Bí thư Trường Chinh đều hết lòng vì dân, vì nước; luôn tỏa sáng ở mọi hoàn cảnh và những bước ngoặt của cách mạng, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.
Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, Hội nghị đặc biệt của BCHTW Đảng, ngày 14/7/1986 đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Lịch sử đặt trách nhiệm nặng nề lên vai khi ông ở tuổi 79. Đó là thời điểm dân tộc đứng trước vô vàn sóng gió, gian nguy. Đất nước bị bao vây, cấm vận, kinh tế - xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, đời sống nhân dân trăm bề thiếu thốn. Cán bộ, đảng viên lo lắng, hoài nghi, nhân dân mất niềm tin. Nước nhà bị dồn vào thế chân tường, “không thể sống mãi như thế”. Phải làm gì và làm thế nào tìm ra lối thoát, đó là điều làm cho ông trên cương vị đứng đầu một Đảng cầm quyền ngày đêm dằn vặt, trăn trở.
Với phong cách sâu sát, cụ thể, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, ông đã thâm nhập, khảo sát thực tế gần khắp các tỉnh, thành trong cả nước dù tuổi cao, sức yếu. Những chuyến về TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Nam, Nghệ An, Vĩnh Phúc… đã từng bước làm thay đổi tư duy của người đứng đầu Đảng. Ông đau đáu khi nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, DN “tự động xé rào” để cứu mình. Ông trầm ngâm suy tư với hiện tượng “khoán chui”, nhưng ở đó đời sống của người dân lại được cải thiện, khấm khá hơn. Ông day dứt khi nhiều giám đốc DN gặp ông đều khóc và nói rằng: Chúng tôi theo Đảng làm cách mạng, phải bươn chải qua bao khó khăn để tháo gỡ cho sản xuất, cho đời sống người lao động, nhưng vẫn bị quy kết làm sai đường lối. Tim ông nhói đau khi bà con họ hàng ở quê than thở: “Bác làm thế nào cho khoán vài năm để chúng tôi sống đã, sau đó rồi siết lại, chứ chết đói đến nơi rồi”... Đi, nhìn, nghe, suy nghĩ, tổng kết đã giúp ông nhận rõ thực trạng của đất nước, thấy rõ cuộc sống thật cũng như những bức xúc, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của đảng viên và quần chúng nhân dân. Bám sát thực tiễn và từ thực tiễn sinh động, giúp vấn đề dần sáng tỏ để rồi sau đó đột phá với tư duy đổi mới chiến lược.
Đảm nhiệm Tổng Bí thư khi chỉ còn 5 tháng nữa là Đại hội Đảng toàn quốc. Nghiên cứu văn kiện trình Đại hội VI đã được chuẩn bị từ trước, đồng chí Trường Chinh nhận thấy: Dự thảo vẫn dựa trên những quan điểm cũ, chưa đánh giá đúng tình hình, chưa thấy rõ những sai lầm nghiêm trọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông đã đưa ra quyết định táo bạo, chưa có tiền lệ: Soạn thảo lại các văn kiện, cho dù văn bản đó đã gửi xuống các cấp lấy ý kiến!
Đại hội VI (12/1986) thành công- Đại hội khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước mang đậm dấu ấn Tổng Bí thư Trường Chinh. Những trăn trở, suy tư, lo lắng của đội ngũ đảng viên và các tầng lớp nhân dân bấy lâu nay không nói ra được, thì giờ đây làm họ vỡ òa, đón nhận làn gió đổi mới trong niềm hân hoan, cảm phục.
Thời điểm đó, khi thảo luận những vấn đề có ý kiến khác nhau về quan điểm, do nhận thức khác nhau, ông bị một số người quy chụp nặng nề, phê phán gay gắt. Nhưng ông kiên trì, thẳng thắn đấu tranh để tìm đến chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng, phục hưng đất nước. Tri thức uyên thâm, tư duy lý luận sắc sảo, tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh kiên cường, giúp ông kiên định bảo vệ tư tưởng đổi mới. Theo ông “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn, không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt”. Điểm khởi đầu của đổi mới, theo ông phải từ: “Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế”. Ông yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và ông là người tiên phong: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”; “Luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”. Ông thấm nhuần nguyên lý: Sức mạnh của cách mạng chính là ở dân, bởi vậy phải quán triệt, hành động theo quan điểm và phương châm: “Lấy dân làm gốc... Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”... Tư tưởng đổi mới của ông đặt đúng thời điểm, đáp ứng đòi hỏi của đất nước, lòng mong mỏi của nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao trong Đảng, tạo niềm tin tuyệt đối trong đồng bào và chiến sĩ cả nước.
33 năm thực hiện đường lối đổi mới, sức mạnh và tiềm năng của đất nước được giải phóng; trí sáng tạo, thông minh của nhân dân được đánh thức, đất nước chuyển mình, phát triển lên tầm cao mới. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới càng làm cho hình ảnh những nhà cách mạng tiền bối, trong đó có Tổng Bí thư Trường Chinh thêm tỏa sáng. Lịch sử sẽ luôn ghi nhớ công lao và nhắc đến ông - Tổng Bí thư Trường Chinh, không chỉ là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, mà còn là người “chủ biên”, “khởi xướng”, “vị thuyền trưởng” của công cuộc đổi mới.
NGUYỄN QUANG PHI