Pháp, Đức và Anh ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông

Thứ Sáu, 30/08/2019, 21:40 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 29/8, trang web Bộ Ngoại giao Đức đã đăng tải thông cáo về tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông.

Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Ảnh: LÂM KHÁNH
Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Ảnh: LÂM KHÁNH

Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Ba nước nhấn mạnh tới Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/7/2016.

Cũng theo thông cáo, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dựa trên các quy tắc, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS.

Đức, Pháp và Anh kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực Biển Đông thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm việc đảm bảo quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định nước này có lợi ích trong hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nhấn mạnh: “Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu. Do đó, Ấn Độ có lợi ích gắn bó với hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Phía New Delhi cũng cho rằng mọi bất đồng phải được giải quyết một cách hòa bình, bằng việc tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, không chọn cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Theo TTXVN

;
.