KỶ NIỆM 74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (1945-2019)

Dấu ấn Cách mạng Tháng Tám ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Ba, 20/08/2019, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây 74 năm, nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhất tề đứng lên giành chính quyền, góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 2/1934 Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại thị trấn Phước Hải (nay thuộc huyện Đất Đỏ). Từ đây, phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng, là sự chuẩn bị về lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sau này.

Đầu tháng 8/1945, thực dân Pháp thất bại về mọi mặt trong cả nước. Vào thời điểm này tại Bà Rịa, thất bại của người Pháp kéo theo sự phá sản của hàng loạt đồn điền, công xưởng, nhà thầu khiến hàng vạn người thất nghiệp. Sưu cao, thuế nặng, thất nghiệp, hàng tiêu dùng khan hiếm, đời sống nhân dân điêu đứng. Thực trạng đó khiến tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ trong các tầng lớp công nông mà ngay cả trong giới trí thức, công chức, tiểu chủ và binh lính. Những yếu tố đó đã trở thành tiền đề trực tiếp cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại Bà Rịa.
Nhà Tròn là nơi ghi dấu người dân Bà Rịa tuần hành, mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Nhà Tròn là nơi ghi dấu người dân Bà Rịa tuần hành, mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

Ngày 23/8/1945, Chi bộ Bà Rịa họp mở rộng tại Long Điền, quyết định sử dụng lực lượng thanh niên tiền phong và đồng bào toàn tỉnh về Bà Rịa giành chính quyền. Sáng 25-8, hơn một vạn quần chúng từ khắp các ngả đường rầm rập đổ về Bà Rịa, giương cao cờ đỏ sao vàng, tập trung mít tinh xung quanh Tháp nước (Nhà Tròn) ở trung tâm Bà Rịa. Trong lễ mít tinh, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời tuyên bố độc lập. Sau khi cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người dưới sự hướng dẫn của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã kéo về các địa phương giành chính quyền ở cơ sở.

Tại Vũng Tàu, khởi nghĩa nổ ra muộn hơn. Ngày 25-8, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập, lực lượng nòng cốt là Thanh niên Tiền phong lúc này đã đổi tên thành đội Cảm tử quân Bến Đá. Sau lễ mít tinh vào sáng 28-8, quần chúng tỏa ra khắp các ngả đường, chiếm công sở của chính quyền cũ… Tại Côn Đảo, địa bàn tuyên bố độc lập muộn nhất trong tỉnh cũng được giải phóng hoàn toàn vào ngày 17-9-1945.

Trước sức mạnh đoàn kết của tù nhân, vào những ngày cuối tháng 8/1945, Đảng ủy Côn Đảo tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gọi là Đoàn phòng thủ Côn Lôn do ông Phạm Hùng, Bí thư Đảo ủy làm Đoàn trưởng, với 300 đội viên, 50 khẩu súng trường, súng lục tước được của binh lính và giám thị. Trong đó, một số người từng là du kích Bắc Sơn và số binh lính bảo an được cảm hóa làm công tác huấn luyện quân sự. Ban Tuyên huấn Đảo ủy biên soạn Chương trình Việt Minh, Chương trình quân sự và chính trị cơ bản để huấn luyện cho toàn thể tù chính trị Côn Đảo trước khi về đất liền.

Đêm 25/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định giải phóng Nhà tù Côn Đảo và đón tù chính trị từ Côn Đảo trở về. Sau nhiều nỗ lực, đêm 23/9/1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc ghe bầu đưa 1.800 tù chính trị về đến Sóc Trăng an toàn. Đoàn tù chính trị đặt chân lên đất liền cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần nữa. Chưa được hưởng trọn một ngày độc lập thật sự, những người tù chính trị Côn Đảo lại phải lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Toàn thể tù chính trị Côn Đảo biểu lộ quyết tâm kháng chiến và giao cho ông Lê Văn Lương (nguyên Đảo ủy viên) thảo bức điện gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng xin tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Đây cũng là thời điểm đánh dấu công cuộc giải phóng và là mốc son chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

 

VÕ KIÊN

;
.