Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất thích đọc sách và Bác luôn khuyến khích mọi người đọc sách. Với Bác, trường học của mỗi người được tóm gọn trong mấy chữ: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện TP. Vũng Tàu trong dịp hè. |
Năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại, năm 1969, mỗi lần đến gặp Bác, ông thường thấy trên chiếc bàn cạnh giường Bác để đầy sách báo đang đọc dở. Ông lo lắng cho sức khỏe của Bác nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”.
Thật vậy, với Bác, việc học nói chung và đọc sách, báo nói riêng đều có mục đích. Từ câu chuyện đọc sách của Bác, ta nghiệm ra rằng: Chỉ khi có mục đích, mục tiêu học tập đúng đắn thì con người mới có động cơ và đạt đến trạng thái đam mê, bất chấp những khó khăn, trở ngại thiếu thốn để tìm đến với sách, báo. Khái quát về nội hàm văn hóa đọc theo nghĩa hẹp đối với bạn đọc là rèn luyện thói quen, sở thích, kỹ năng đọc. Và đơn giản hóa việc đọc sách với bạn đọc, có lẽ cần xác định rõ: Đọc để làm gì? Đọc cái gì? Đọc ở đâu? Đọc lúc nào? Và đọc như thế nào? Ai cũng có thể trả lời những câu hỏi đặt ra, nhưng quan trọng là khi bạn giải quyết được nó bằng hành vi tích cực, bạn sẽ trở thành người đam mê đọc sách, một sở thích, một thói quen tốt.
Tại BR-VT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát động phong trào “Vận động đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng tủ sách chi bộ tại thôn, ấp, khu phố”. Theo đó, nhiều tủ sách chi bộ đã được các tổ chức Đảng trao cho các chi bộ tại các thôn, ấp vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Riêng tại TP.Vũng Tàu, ngoài việc bố trí các tủ sách ở các chi bộ, khu phố, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc còn có mô hình quán cà phê sách, đường sách… được quan tâm dưới hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện lan tỏa văn hóa đọc ở cộng đồng.
Những mô hình như: Tủ sách chi bộ, phòng đọc sách, đường sách, cà phê sách chính là những động lực quan trọng thúc đẩy phong trào đọc sách phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương, trở thành lực lượng nòng cốt nhằm động viên, cổ vũ phong trào đọc sách. Các cơ quan Đảng, nhà nước cần khuyến khích những mô hình đọc sách mới, hiệu quả; tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiêu biểu tập thể, cá nhân; góp phần xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh, xây dựng xã hội học tập suốt đời theo chủ trương của Đảng và ý nguyện thiêng liêng của Bác Hồ trước lúc Người đi xa.
NGUYỄN THỊ KỶ (Giám đốc Thư viện TP. Vũng Tàu)