.

Bác Hồ một tình yêu bao la

Cập nhật: 08:01, 30/08/2019 (GMT+7)

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả thế giới trước đây và sau này có lẽ chưa từng có vị lãnh tụ nào được yêu mến và ca ngợi nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng và nhân cách của con người vĩ đại này đã là niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế suốt thế kỷ XX đúng như nhà thơ Cu Ba Felix Pita Rodriguez đã viết “Hồ Chí Minh tên người là cả một niềm thơ”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP

Thật khó có thể thống kê hết những tác phẩm viết về Bác, chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc thôi đã có hàng trăm ca khúc viết về Bác hoặc nhắc tới Bác. Những bài hát về Bác dành cho thiếu nhi như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng“, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, “Bác Hồ - Người cho em tất cả”; dành cho những người lính như “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” hay những bài nhớ thương, ca ngợi lãnh tụ của toàn dân Việt Nam như “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác”… hầu hết đều trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, nhiều thập kỷ sau khi ra đời vẫn làm rung động trái tim người nghe.

Bài hát được yêu thích đầu tiên về Bác có lẽ là bài hát thiếu nhi “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã. Bài hát ra đời sau khi nhạc sĩ tận mắt chứng kiến cảnh Bác nhoài người ra cửa xe âu yếm vẫy tay với các cháu thiếu nhi đứng dọc hai bên đường vào ngày 2/9/1945. Sau đó ông lại được nghe những lời lẽ thân thiết, cảm động trong những lá thư Bác gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày khai trường và Tết Trung thu độc lập đầu tiên. Tình cảm dạt dào đã thôi thúc ông sáng tác ca khúc đầy cảm xúc nhấn mạnh vào tình cảm của Bác với thiếu nhi cũng như lòng kính yêu của thiếu nhi đối với Bác. Với giai điệu và ca từ trong sáng, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc, bài hát đã trở thành ca khúc tuổi thơ của bao thế hệ học sinh Việt Nam.

Hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 cũng là cảm hứng chủ đạo để nhạc sĩ Văn Cao viết lên ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”: Người về mang tới niềm vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn… Cụ Hồ Chí Minh/ Đế quốc tan tành hết trước sức dân trào cuốn/ Vinh quang nhân dân Việt Nam…

Trong gia tài rất nhiều những bài hát kinh điển của người nhạc sĩ tài năng này, đây là bài hát duy nhất Văn Cao ca ngợi một lãnh tụ. Nhạc sĩ của “Quốc ca” cũng là người đầu tiên sử dụng cách gọi “Người” đầy tôn kính và trìu mến với Bác. Danh xưng đó sau này được phổ biến rộng rãi, trở thành cách gọi thiêng liêng, trang trọng mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 2/9/1969 đúng ngày mà 24 năm trước, Bác tuyên bố với cả thế giới về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Bác đã ra đi, triệu triệu người dân yêu độc lập tự do trên thế giới rơi nước mắt tiễn Người. Rất nhiều bài hát xúc động đã bật lên từ nỗi đau xót chân thực nhất của chính tác giả và “Người là niềm tin tất thắng” của Nhạc sĩ Chu Minh được coi là bài hát tiêu biểu nhất. Bài hát vừa thể hiện được sự tiếc thương, kính trọng với Bác vừa nêu lên được lòng tự hào của dân tộc ta về Bác. Ở đây sự ngợi ca đã vượt lên trên nỗi bi thương “Thế giới nghiêng mình/ Loài người tiếc thương/Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do... Bác Hồ Chí Minh kính yêu! Người là niềm tin tất thắng sáng ngời”. Bài hát ra đời và được biểu diễn trên các sân khấu lớn chỉ trong vòng một tuần sau khi Bác mất. Các ca sĩ cũng như khán thính giả có mặt hôm đó, tất cả đều xúc động rơi nước mắt khi những ca từ đầu tiên vang lên tha thiết: “Đất nước nghiêng mình, đời đời nhớ ơn, tên Người sống mãi với non sông Việt Nam...”.

Nhạc sĩ Thuận Yến là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất với 26 bài, trong đó có rất nhiều bài nổi tiếng như  “Người về thăm quê”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Nam trong tim Bác”... Bài hát về Bác nổi tiếng nhất, được nhiều người thuộc nhất của ông là bài “Bác Hồ một tình yêu bao la” viết năm 1979, kỷ niệm 10 năm ngày mất của Bác. Trong bài hát có một đoạn rất tha thiết: “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ canh gác ngoài biên cương, Bác viết thư thăm hỏi, gửi muôn vàn yêu thương…”. Chính là lấy từ kỷ niệm mà ông và anh em trong đoàn văn công được Bác gửi tặng quần áo ấm trong mùa đông lạnh giá trước đây. Bài hát được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam qua giọng ca của NSND Thanh Hoa và lập tức nhận được sự yêu mến của đông đảo công chúng.

Một người nữa cũng có nhiều sáng tác nổi tiếng về Bác đó là nhạc sĩ Trần Hoàn. Bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” sáng tác năm 1989 của ông là bài hát ghi được dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người nghe. “Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa… Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên. Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò: Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca”. Ca từ chân thực xúc động cộng với chất liệu dân ca tha thiết của bài hát khiến cho bao năm rồi bài hát trên, mỗi khi vang lên vẫn khiến cả người hát lẫn người nghe phải “rơm rớm hàng mi”.

Không thể kể hết những ca khúc đặc sắc thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ kính yêu, người cha già vĩ đại của dân tộc. Năm mươi năm kể từ ngày người vĩnh viễn ra đi nhưng những tác phẩm về Người vẫn vang lên ở khắp muôn nơi khiến cho triệu triệu người dân Việt Nam, cả già lẫn trẻ, phần lớn đều chưa từng một lần được gặp Bác thêm yêu, hiểu, kính trọng và biết ơn Người.

AN AN

.
.
.