Ngày 17/7, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh đã bước vào phiên chất vấn dưới sự điều hành của các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. 2 nhóm vấn đề: quản lý đất đai và quản lý hoạt động đánh bắt hải sản đã được đưa ra bàn nghị sự trong không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, xoáy sâu vào trách nhiệm của các sở, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo về nội dung phân lô, tách thửa. |
“TRUY VẤN” NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG PHÂN LÔ, BÁN NỀN
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở TN-MT về tình trạng phân lô, bán nền trái phép xảy ra ở một số địa phương. Đại biểu Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề: “Tại sao việc phân lô bán nền đã được nhận diện từ rất lâu nhưng đến nay mới bắt đầu xử lý?”.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT viện dẫn khá nhiều những điểm tích cực của Quyết định 23/2017/QĐ-UBND đối với nhu cầu của người dân trong việc tách thửa đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải đất ở, sau đó thừa nhận, một số DN đã lợi dụng chính sách này để đứng tên hộ gia đình, cá nhân phân lô, tách thửa với quy mô lớn.
“Trước thực trạng diễn biến phức tạp, ngày 14/8/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ngưng việc cho phép tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô, bán đất nền. Sở TN-MT cũng có nhiều đợt kiểm tra, rà soát, ngăn chặn các dự án chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng đã thực hiện rao bán cho người dân. Mới đây nhất, ngày 18/6/2019, Sở TN-MT tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không tổ chức đo đạc và tham mưu giải quyết các trường hợp tách thửa đất nông nghiệp có hình dáng đường giao thông”, ông Linh nói những giải pháp mới nhất.
Dự án “ma” Alibaba là một trong những hệ quả xấu của tình trạng phân lô, tách thửa. |
Tuy nhiên, người đứng đầu Sở TN-MT cũng thừa nhận chưa quyết liệt trong việc xử lý việc phân lô, tách thửa không đúng mục đích; chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quản lý đất đai, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền xảy ra với mức độ phức tạp. Ông Linh cam kết trong quý 3/2019, sẽ phối hợp tổng kiểm tra, rà soát công tác đo đạc, tách thửa. Đồng thời sở cũng tiếp tục hoàn thành dự thảo về điều chỉnh, bổ sung khắc phục những kẽ hở về quy định phân lô, tách thửa.
Nhiều đại biểu HĐND cho rằng phần trả lời của lãnh đạo Sở TN-MT là chưa thỏa đáng, chưa đi vào trọng tâm chất vấn. Một số đại biểu đặt ra những nghi vấn: Có hay không sự tiếp tay của cán bộ địa chính, cán bộ đo đạc, tạo cơ hội cho DN thực hiện đo, tách và rao bán đất đai khi chưa đủ cơ sở pháp lý. Việc này ông Lê Ngọc Linh chưa trả lời được.
Chốt lại vấn đề nóng bỏng đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, việc tách thửa vẫn phải tiếp tục để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ DN, nếu phân lô, tách thửa với số lượng lớn thì buộc phải thực hiện dự án nhà ở theo quy định. Đối với 72 dự án đã có văn bản chấp thuận đầu tư của UBND huyện, thị xã, thành phố, ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu chính quyền các cấp thẩm định lại. Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, xây dựng, quy hoạch tại các địa phương, xử lý các cán bộ vi phạm tại đơn vị để bảo đảm việc xây dựng phát triển theo hướng bền vững.
QUẢN LÝ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN: “CHƯA CÓ GIẢI PHÁP NÀO ĂN THUA”
Liên quan đến vấn đề đánh bắt hải sản bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại, sử dụng giã cào tận diệt nguồn lợi hải hải sản, gây bức xúc cho ngư dân, trong phần giải trình, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT lý giải: Để xảy ra tình trạng đánh bắt tận diệt chủ yếu vẫn là “ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế; các phương tiện hoạt động tinh vi, manh động trong khi lực lượng chấp pháp chưa đủ về trang thiết bị”.
Lần đầu tiên, một ngư dân được mời đến nghị trường trực tiếp nêu ý kiến chất vấn về vấn đề khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân Lê Hữu Thế (KP Hải Sơn, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho rằng, cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong xử lý tàu cá đánh bắt thủy sản. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Sở NN-PTNT đề xuất các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển và các địa phương kiểm tra, xử lý với các mức xử phạt cao nhất; trang bị thêm tàu, ca nô tuần tra cho lực lượng kiểm ngư; phối hợp với các tỉnh xây dựng quy chế phối hợp, quản lý, xử lý khi tàu các tỉnh xâm nhập đánh bắt tận diệt trên vùng biển BR-VT…
Một trong những điều khá đặc biệt trong phần chất vấn nhóm vấn đề quản lý đánh bắt hải sản là HĐND tỉnh đã mời ngư dân Lê Hữu Thế (KP Hải Sơn, thị trấn Phước Hải) phát biểu tại nghị trường. Ngư dân Thế đã cung cấp những thông tin đầy bất ngờ, khá mâu thuẫn với phần trả lời của lãnh đạo Sở NN-PTNT. Ngư dân Thế cho biết, hoạt động của các tàu dã cào gần bờ thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) và vào ban ngày chứ không phải ban đêm như Sở NN-PTNT nói đến. Bản thân ngư dân, khi phát hiện tàu dã cào đã báo cho lực lượng chức năng nhưng không thấy đến giải quyết, nếu có tiếp nhận thông tin thì cũng thoái thác trách nhiệm. Ngư dân Thế tha thiết đề nghị xem lại hoạt động của các lực lượng chức năng. Kể cả việc trang bị phương tiện cho họ. Các tỉnh, thành lân cận họ làm rất tốt, tại sao tỉnh mình không làm được?
Tiếp tục với phần chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Hồng trích dẫn báo cáo của Sở Tài chính, mỗi năm ngân sách cấp cho công tác kiểm tra hoạt động đánh bắt hải sản là 7 tỷ đồng. Trong các báo cáo của Sở NN-PTNT đều nói tình trạng vi phạm trong đánh bắt hải sản ngày càng nhiều, nhưng số phát hiện, xử lý ngày càng ít. Vậy là như thế nào?. Ông Cường giải thích, phương tiện của lực lượng chấp pháp nhỏ, công suất yếu hơn của ngư dân. Ban ngày, khi lực lượng tuần tra thì ngư dân ngưng hoạt động, ban đêm khi lực lượng rút thì ngư dân lại hoạt động. Đó là lý do lực lượng vẫn kiểm tra thường xuyên nhưng phát hiện vi phạm thì ít.
Không thỏa mãn phần giải trình của lãnh đạo Sở NN-PTNT, đại biểu Trần Đình Khoa chuyển vấn đề đến lãnh đạo UBND tỉnh. “Bao giờ sẽ cấp kinh phí đóng mới tàu kiểm ngư?”. Trả lời cho câu hỏi của đại biểu Trần Đình Khoa, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh đã bố trí kinh phí và đẩy nhanh các thủ tục để đóng mới 2 ca nô trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng mức xử phạt các tàu vi phạm lần đầu bằng tiền ở khung cao nhất. Nếu vi phạm lần 2 sẽ rút giấy phép, ngưng không cho hoạt động. Tỉnh cũng công bố đường dây nóng của lực lượng chức năng để người dân báo thông tin khi thấy đánh bắt vi phạm.
Kết luận phần chất vấn, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đặt ra những yêu cầu cao với cơ quan chức năng: “Phải có giải pháp quyết liệt, khả thi. Từ đầu phiên chất vấn, đại diện lãnh đạo ngành chỉ đề cập đến các giải pháp chung chung, giải pháp không ăn thua”. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, không phải ngư dân không có ý thức bảo vệ nguồn lợi và ngư trường, chỉ là một bộ phận nhỏ ngư dân đang thiếu ý thức. Nhắc lại hình ảnh ngư dân phát biểu tại nghị trường với biểu cảm xúc động, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói: “Những điều ngư dân nói lên đó, chứng tỏ họ không phải không có ý thức. Vấn đề là làm sao để mọi ngư dân, để cả xã hội có thể chống lại một bộ phận nhỏ ngư dân đang đánh bắt theo phương thức tận diệt”. Về lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, lực lượng này đang bị vô hiệu hoá. Hàng năm, tỉnh đã chi một khoản kinh phí lớn cho lực lượng kiểm tra, nhưng số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý rất ít (từ đầu năm đến nay mới bắt 1 vụ). Do đó, cần phải củng cố lại lực lượng này.
Ngày 18/7, kỳ họp tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề trách nhiệm quản lý, xác định nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
NHÓM PV KINH TẾ