Trong chương trình thảo luận tại hội trường diễn ra sáng 17/7, các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đề ra các giải pháp cho loạt vấn đề: dự án chậm triển khai; giải pháp cho vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em... Đây là những lĩnh vực đang có những con số báo cáo đáng để “giật mình”: 60 dự án chậm triển khai; số vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng 50%.
CÒN 60 DỰ ÁN CHẬM TRIỂN KHAI
Liên quan đến dự án chậm triển khai, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh còn 60 dự án chậm triển khai (trong đó có 8 dự án trong KCN, 32 dự án nhà ở, khu đô thị, 19 dự án ngoài KCN và 1 dự án đầu tư thứ cấp).
Theo ông Hải, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư không có khả năng triển khai, không tập trung triển khai hoặc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, có một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Hải khẳng định: “Trong thời gian tới, Sở KH-ĐT sẽ tập trung xử lý các dự án chậm triển khai theo kế hoạch, làm việc với các nhà đầu tư đã bị chấm dứt hoạt động dự án nhưng còn khiếu nại, kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án để làm rõ các ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư. Đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN-MT, các địa phương và các ngành liên quan rà soát và tập hợp thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đối với các dự án bên ngoài các KCN”.
Giải trình thêm về dự án KCN đô thị Châu Đức do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư đang thuộc diện “chậm triển khai”, ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương năm 2007, trong đó diện tích dự án thuộc địa bàn huyện Châu Đức hơn 2.077ha. Địa phương bắt đầu triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2009. Đến nay, huyện đã kiểm kê được hơn 1.683ha (đạt 81%), còn lại hơn 360ha đang trong quá trình kiểm kê. Đối với phần diện tích đã kiểm kê, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB hơn 1.541ha, người dân đã nhận tiền bồi thường đạt tỷ lệ 96,7% (tương đương hơn 1.490ha). Đến nay, phần diện tích đã bàn giao cho nhà đầu tư là 1.389ha, đạt 93,2%. Đối với phần diện tích mà huyện đang kiểm kê, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Lý giải nguyên nhân dự án chậm triển khai, ông Vinh cho biết, do từ năm 2009 đến nay, chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đã thay đổi 3 lần, mỗi lần thay đổi chờ văn bản hướng dẫn mất ít nhất 6 tháng. Do đó, ảnh hưởng đến công tác kiểm kê đất đai, GPMB và bồi thường cho người dân.
Về tình hình thu hút đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa (XHH) đã được triển khai từ năm 2008, ông Lê Hoàng Hải cho biết, từ năm 2008 đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 42 dự án XHH, trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động (chủ yếu trong lĩnh vực GD-ĐT, môi trường, văn hóa thể thao). Ông Hải thừa nhận, chính sách thu hút XHH đến nay chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn. “Trong quá trình thực hiện, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư, công tác quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư. Thời gian tới, các địa phương cần phối hợp các sở chuyên ngành rà soát nhu cầu XHH trên địa bàn, cập nhật vị trí các khu đất kêu gọi XHH vào quy hoạch xây dựng và kế hoạch sử dụng đất. Các địa phương cần tổng hợp nhu cầu kinh phí GPMB cho Sở KH-ĐT để bố trí nguồn vốn…”, ông Hải cho biết thêm.
SỐ VỤ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TĂNG 50% LÀ QUÁ LỚN
Giải trình ý kiến của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh về nạn xâm hại tình dục trẻ em, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, 26 vụ đã xử lý xong, còn lại 5 vụ đang điều tra và củng cố hồ sơ. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, phần lớn nạn nhân trong độ tuổi 13-16. Đa số các vụ việc, đối tượng xâm hại là người thân, người quen trong gia đình nạn nhân. Theo bà Trang Đài, Bộ LĐTBXH đã ban hành chính sách cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) nhưng chính sách này không thực hiện được do yêu cầu cao về chuyên môn trong khi mức phụ cấp thấp, không được tham gia BHXH nên mạng lưới cộng tác viên CTXH tại các xã, phường còn mỏng. Ngoài ra, kinh phí dành cho các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn ít. “Công tác phòng chống xâm hại tình dục là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, công tác truyền thông vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức cho toàn cộng đồng. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng thời lượng và đa dạng hóa các hình thức phổ cập kiến thức, tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em. Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng một đề án đặc biệt với sự vào cuộc của tất cả cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và có sự hỗ trợ bài bản của những chuyên gia tâm lý”, bà Trang Đài kiến nghị.
Nói về sự gia tăng của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, 6 tháng đầu năm 2019, số vụ xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh tăng 50% so với cùng kỳ là con số quá lớn. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cơ quan tư pháp cần xử lý nghiêm khắc, quyết liệt, không để lọt đối tượng, không cho đối tượng chạy tội. Khi có thông tin, dấu hiệu vi phạm, phải điều tra, xử lý đến nơi đến chốn; đồng thời cần phải tăng cường tuyên truyền để trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước các nguy cơ.
NHÓM PV TS-CT