.

HĐND tỉnh thảo luận tổ: Thẳng thắn làm rõ những vấn đề tồn tại

Cập nhật: 20:10, 12/07/2019 (GMT+7)

Trong chương trình Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VI, ngày 12/7, đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận tại các tổ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2019 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. 

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì  buổi họp báo. Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TƯỜNG NGÂN

Các tổ đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, đưa ra giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại, vướng mắc. 

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

Về lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh BR-VT cho rằng, tình trạng xây nhà trái phép diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, một vài nơi, chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý việc sử dụng đất, dẫn đến tình trạng xây nhà trái phép tràn lan. Đại biểu Nguyễn Lợi đề nghị tỉnh cần chỉ đạo, làm rõ, quy trách nhiệm đối với cán bộ, công chức địa phương đã để xảy ra tình trạng này.

Liên quan vấn đề quản lý loại hình lưu trú du lịch, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, gần đây trên địa bàn tỉnh nở rộ loại hình du lịch homestay, nảy sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự như: ô nhiễm tiếng ồn, du khách đậu xe sai quy định và tiềm ẩn tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tỉnh chưa ban hành quy định, quy chế quản lý loại hình du lịch này. Vì vậy, Sở Du lịch cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế quản lý loại hình này. 

Nêu tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn tái diễn, bà Trúc nói: “Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND về chấn chỉnh buôn bán hàng rong, chợ tự phát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các địa phương chưa xây dựng được đề án hoặc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Tình trạng người dân buôn bán gây mất trật tự, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông vẫn diễn ra. UBND tỉnh cần tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện Chỉ thị 12, đồng thời cần có sự thống nhất giữa các sở, ngành trong việc đưa ra các giải pháp xử lý triệt để tình trạng này”. 

XỬ LÝ NGHIÊM DN NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Xung quanh việc thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, hiện nay một số hộ thoát nghèo không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Vì vậy UBND tỉnh cần xem xét chuyển nguồn vốn trên cho các dự án nhỏ khác, đồng thời phân bổ đều cho các địa phương để mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ ngân sách của Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. 

Liên quan đến vấn đề DN nợ BHXH kéo dài, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hiện nay có 1.119 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 100 tỷ đồng, trong đó có nhiều DN đã bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác xử lý. Bà Phúc đề nghị xử lý nghiêm các DN vi phạm, đồng thời tính toán đến khả năng phát triển của các DN ngay từ khi bắt đầu đăng ký đầu tư tại tỉnh. Cùng quan điểm, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ lo ngại, nợ BHXH đang trở thành một vấn nạn, nếu không quan tâm giải quyết triệt để sẽ gây ra hệ lụy lớn cho người lao động khi họ nghỉ việc, mất việc. Ông Khoa đề nghị BHXH tỉnh báo cáo cụ thể tình hình nợ BHXH của các DN trên địa bàn tỉnh; LĐLĐ tỉnh đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; khai thác cát, vật liệu san lấp trái phép; tiến độ triển khai các dự án đầu tư công còn chậm; tình trạng nợ BHXH kéo dài; giải pháp xử lý rác sinh hoạt; tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế; thiếu kinh phí trùng tu, cải tạo một số hạng mục di tích Nhà tù Côn Đảo…

NHÓM PV THỜI SỰ

.
.
.