Cùng với nhiệm vụ không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các nhà giàn DK1 thuộc Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân (BTLV2HQ) còn có những hành động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường biển.
Nhà giàn DK1/15 trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. |
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, những năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều nhà giàn DK1 trên các bãi cạn: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và bãi cạn Cà Mau. Nhà giàn xa nhất cách đất liền Vũng Tàu hơn 300 hải lý, gần nhất cách khoảng 245 hải lý. Sự hiện diện của các nhà giàn DK1 đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Do điều kiện khí tượng thủy văn vùng biển DK1 tương đối phức tạp, các nhà giàn DK1 xa cách đất liền, nên việc thu gom xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí trang bị và sinh hoạt của CBCS trên các nhà giàn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các tàu trực chiến đấu và tàu đánh cá của ngư dân hoạt động gần nhà giàn nên cũng phát sinh rác thải. Bình quân mỗi năm, lực lượng làm nhiệm vụ trên biển khu vực nhà giàn DK1 thải ra một lượng rác thải sinh hoạt khá nhiều, nếu không được kịp thời thu gom, đưa vào bờ xử lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường biển.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy BTLV2HQ, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, những năm qua, BTL Vùng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chủ động triển khai công tác giáo dục, tuyên truyền cho CBCS làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1 và các tàu làm nhiệm vụ trên biển nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị trong Vùng đều tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền và hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường như: ngày Môi trường thế giới 5/6, ngày Đại dương thế giới 8/6, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1-8/6)... Đặc biệt, đã giáo dục, động viên CBCS nhà giàn DK1 và tàu trực hạn chế sử dụng túi ni lông làm bao gói lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt khi đi công tác trên biển cũng như trong sinh hoạt ở đất liền; không xả trực tiếp rác thải ra môi trường; chú ý đến các loại rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy, giẻ lau chùi bảo quản, bảo dưỡng máy móc, tàu xe có thấm xăng, dầu nhờn… để phân loại rác thải từ nguồn và thu gom xử lý.
Thiếu úy Từ Hữu Linh, chiến sĩ nhà giàn DK1/15, chia sẻ: “Các CBCS trên nhà giàn DK1/15 đều có nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Các loại rác thải sinh hoạt, đặc biệt là khó phân hủy, độc hại đều được chúng tôi thu gom, đưa về bờ xử lý theo quy định. Trên nhà giàn cũng như môi trường biển quanh khu vực luôn bảo đảm sạch sẽ, không bị ô nhiễm”.
Cùng với hoạt động giáo dục, tuyên truyền trong các đơn vị thuộc V2HQ, từ năm 2018 đến nay, toàn Vùng đã tổ chức được hơn 100 buổi tuyên truyền cho hơn 53 ngàn lượt người, ngư dân về thực hiện các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường biển, không sử dụng chất nổ trong khai thác hải sản.
Từng được tàu của V2HQ cứu nạn khi tàu cá bị hỏng máy vào tháng 3-2019, đưa vào nhà giàn DK1/9 khắc phục sự cố và chăm sóc y tế, thuyền trưởng tàu BĐ 97307 TS - Lê Văn Tiếp (SN 1977, quê Bình Định) bày tỏ: “Không chỉ luôn sát cánh bảo vệ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tàu của các lực lượng chức năng và CBCS trên các nhà giàn DK1 còn tuyên truyền, vận động chúng tôi bảo vệ môi trường biển, hạn chế xả rác sinh hoạt và các chất thải khó phân hủy xuống biển, không đánh bắt hải sản bằng các hình thức hủy diệt nguồn lợi thủy sản”.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn cho biết, trên các nhà giàn DK1 vẫn chưa có thùng đựng rác chuyên dùng và lò đốt rác. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển, BTLV2HQ đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, chế tạo và trang bị cho các nhà giàn DK1 máy móc, phương tiện xử lý rác thải thành nguồn phân hữu cơ, vừa phục vụ việc trồng rau xanh cho bữa ăn của CBCS trên nhà giàn, vừa góp phần chống ô nhiễm môi trường biển.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM