Tình trạng thiếu bác sĩ; vấn đề bạo hành bác sĩ, nhân viên y tế; vướng mắc trong thanh quyết toán BHYT… Là những nội dung được phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của HĐND tỉnh diễn ra vào sáng 8/6.
BS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa nêu ý kiến về tình trạng bạo hành nhân viên y tế tại buổi tiếp xúc. |
THIẾU HƠN 200 BÁC SĨ
Tại buổi tiếp xúc, phần lớn ý kiến cử tri tập trung phản ánh về tình trạng thiếu nhân lực ở các bệnh viện (BV) công, đặc biệt là bác sĩ (BS) chuyên khoa; đồng thời kiến nghị HĐND tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ ngành y tế khắc phục. Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, BV Lê Lợi dẫn chứng, từ năm 2015 đến nay, khoa luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ. Trong 1 năm qua, khoa có tới 7 BS nghỉ việc (2 người xin thôi việc, 1 người chuyển công tác, 4 người nghỉ hưu). Hiện cả khoa chỉ có 3 BS nên phải đảm nhận quá tải công việc, nhất là việc trực tua 24/24 giờ, cứ 2-3 ngày phải trực một lần.
Bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc BV Tâm thần tỉnh cũng nêu thực trạng thiếu bác sĩ tại BV. Với yêu cầu của một BV chuyên khoa, BV cần tới 36 bác sĩ nhưng hiện BV chỉ có 11 bác sĩ. Trong vòng 13 năm qua BV chỉ tuyển được 2 BS, trong khi năm vừa rồi lại nghỉ mất 3 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ xin thôi việc. Thiếu bác sĩ nên việc trực nội trú, trực khám bệnh cấp cứu, khám bệnh ngoại trú đều không có đủ người. Ban giám đốc vừa làm công tác quản lý vừa phải tham gia khám chữa bệnh (KCB), trực cấp cứu.
Bác sĩ Ninh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc phản ánh, tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện cũng trầm trọng không kém, ban giám đốc phải tham gia các hoạt động khám chữa bệnh nhưng cũng không đủ đáp ứng. Nguyên nhân do chính sách lương bổng cho nhân lực toàn ngành y tế còn quá thấp, BS mới ra trường chỉ có 3-5 triệu đồng/tháng; do đó rất khó thu hút được BS về công tác tại TTYT.
Để giải quyết một phần về nguồn bác sĩ đang còn thiếu, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa đề xuất HĐND tỉnh xem xét cơ chế cho phép các BV được ký hợp đồng với một số bác sĩ đã nghỉ hưu bằng nguồn thu của BV. Ngoài ra, hiện nhiều bác sĩ do BV thu hút ở các tỉnh về công tác tại BV nhưng chưa có nhà. Để giữ chân đội ngũ này đề nghị tỉnh có chế độ xây dựng nhà ở xã hội cho bác sĩ, nhân viên y tế.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế đang thiếu khoảng trên 200 bác sĩ. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, hiện ngành đang đào tạo theo địa chỉ, số lượng sinh viên ra trường hằng năm là khoảng 40 người; ngoài ra ngành còn có chế độ thu hút BS từ nơi khác về. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thu nhập cho đội ngũ BS ngành y tế đang còn thấp khó giữ chân được họ. Hiện nay, ngành y tế đang làm đề án thu hút phát triển ngành y tế, trong đó có đề xuất tăng thu nhập cho BS, nhân viên y tế.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ tại Khoa Nhi, BV Lê Lợi. |
NỖI LO BÁC SĨ, NHÂN VIÊN Y TẾ BỊ BẠO HÀNH
Tại buổi tiếp xúc, bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết, BV đã nỗ lực đổi mới phong cách phục vụ, ứng xử làm hài lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, BV đang rất bức xúc trước những hành động miệt thị, chửi bới, thậm chí đánh nhân viên y tế của một bộ phận thân nhân, người bệnh. Đối với những trường hợp có hành động bạo hành với nhân viên y tế, BV đã báo về địa phương để xử lý răn đe nhưng chưa được địa phương quan tâm. BV đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương có sự phối hợp với các BV xử lý tình trạng bạo hành nhân viên y tế.
Đồng ý kiến trên, bác sĩ Ninh Hùng cho hay: “Lực lượng bảo vệ bố trí ở các TTYT mỏng, do đó, kiến nghị tỉnh cần xem xét có chỉ đạo phối hợp giữa ngành y tế và cơ quan công an để xử lý tình trạng này”.
Liên quan đến vấn đề BHYT, các cử tri đã nêu những khó khăn trong vấn đề thanh quyết toán KCB BHYT. Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt cho rằng, việc giao tổng định mức KCB BHYT cho các BV chưa phù hợp với thực tế khiến BV gặp khó khăn. Dẫn chứng, năm 2018, BV quyết toán chi phí KCB BHYT là 33 tỷ đồng, nhưng tổng mức giao KCB BHYT năm 2019 lại chỉ có 27 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng bệnh nhân của BV hiện đang tăng lên, áp dụng nhiều kỹ thuật KCB cao hơn, nên chi phí KCB sẽ cao hơn; do đó dự kiến qua tháng 10-2019, BV sẽ bị vượt trần, vượt quỹ. Việc thanh toán số tiền bị vượt thường rất chậm và kéo dài, BV sẽ không biết lấy tiền đâu để chi trả tiền thuốc men, tiền lương cho y, bác sĩ. Vì vậy, BV kiến nghị tỉnh có chỉ đạo cơ quan BHXH tỉnh cần phải cân đối lại việc giao tổng định mức KCB BHYT cho các BV.
Bác sĩ Ninh Hùng thì nêu bất cập trong quy định không thanh toán chi phí KCB BHYT đối với lượt khám thứ 66 trở lên trên một bàn khám trong 1 ngày tại các cơ sở KCB. Trong khi đó, phần lớn các BV, TTYT do thiếu bác sĩ nên luôn KCB vượt quá 65 lượt/ngày. Theo bác sĩ Hùng, vấn đề này, tỉnh cần phải có ý kiến để Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam điều chỉnh quy định.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các cử tri còn đề cập đến những vướng mắc trong quá trình tự chủ tài chính; khó khăn về cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu KCB; bất cập trong việc chi chế độ thù lao cho cán bộ nhân viên y tế, cộng tác viên y tế thôn, ấp.
Bài, ảnh: MINH THIÊN