.
KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Không nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND

Cập nhật: 18:49, 10/06/2019 (GMT+7)

Sáng 10/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận là về phân cấp, phân quyền; về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 Phó Chủ tịch xuống còn 1 Phó Chủ tịch. Đa số ý kiến các ĐBQH đều cho rằng, để bảo đảm hoạt động của HĐND không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND. 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, cần có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện. Đại biểu phân tích, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND gồm Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch. Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nâng chức danh Ủy viên Thường trực HĐND lên Phó Chủ tịch HĐND để thuận tiện cho trao đổi công việc nhưng không làm tăng biên chế. Qua quá trình thực hiện, HĐND đã phát huy tốt nhiệm vụ góp phần phát huy hiệu quả của HĐND. Do đó, việc giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng.

Cũng theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, phương án giảm Phó Chủ tịch HĐND “cào bằng” ở tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là không hợp lý, không có tính thuyết phục. Theo đại biểu, việc tinh gọn bộ máy phải bảo đảm được 2 mục tiêu song song là bộ máy tinh gọn, không tăng biên chế nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên. 

Theo quy định tại điều 82 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong điều hành phiên họp. Nếu chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND trong trường hợp đột xuất, bất khả kháng xảy ra không thể tham gia phiên họp của HĐND thì không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc. “Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao, do đó, cần giữ số lượng đại biểu chuyên trách như hiện hành là 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giám sát, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp”, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị.  

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, hiện HĐND được giao rất nhiều nhiệm vụ, thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao, do đó việc giảm 1  Phó Chủ tịch HĐND như dự thảo Luật sẽ không bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc của HĐND, do đó cần giữ nguyên như quy định hiện hành, duy trì 2 Phó Chủ tịch HĐND. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị, cần xem xét số lượng cấp phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện trong tổng thể các chức danh và tổ chức bộ máy HĐND cùng cấp và trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ về tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu. Đây chỉ là tỷ lệ để bảo đảm tổ chức bộ máy của HĐND hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Đại biểu Trần Văn Lâm đặt vấn đề: “Tại sao Quốc hội yêu cầu  tới đây phải nâng tỷ lệ chuyên trách, còn địa phương lại đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đi? Khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách thì mới có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch, Phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện?”.

Cũng theo đại biểu Trần Văn Lâm, nếu bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách thì cũng chỉ nên bố trí một cấp phó chuyên trách để hỗ trợ. Việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND huyện, tỉnh không nên cứng nhắc, chỉ quy định “cứng” về biên chế chuyên trách HĐND. “Còn tùy điều kiện tình hình, về quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Cũng trong buổi sáng 10/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Với 92,15% tổng số ĐB có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. 

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

LÊ SƠN

.
.
.