Ngày 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu chất vấn, trong đó có vấn đề quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tình trạng lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư; khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm ha nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn ha...
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch thì mật độ quy hoạch đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng, đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải điều chỉnh về chiều cao tầng và mật độ trong nội đô, tuân thủ quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong trường hợp do đòi hỏi thực tiễn địa phương cần điều chỉnh thì phải lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đầu tư tập trung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, để đáp ứng yêu cầu và tránh quá tải về hạ tầng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nêu chất vấn rất nhiều cử tri quan tâm và nhiều báo đã viết về tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm ha nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài ngàn ha, có những trường hợp được cấp chục ngàn ha, có sự nhập nhằng giữa công và tư. Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn ha đất đai rừng biển là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây, và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay việc đầu tư xây dựng khu du lịch, trong đó có khu du lịch tâm linh được điều chỉnh ở các văn bản pháp luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hóa, xây dựng đầu tư, Luật Quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng.
Có một số công cụ quản lý, kiểm soát là Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch khu du lịch tại địa phương. Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh, tránh được các hiện tượng như đại biểu nêu. Bộ Xây dựng sẽ bổ sung quy định để đảm bảo sử dụng đất hợp lý trong quy hoạch các khu du lịch.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể. |
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, vấn đề tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe làm chết người, băn khoăn về dự án BOT còn thiếu công khai, minh bạch là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Văn Cầu (Nghệ An) vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng tài xế nghiện ma túy, say rượu, bia. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: Bộ đã yêu cầu các sở GT-VT tăng cường thanh, kiểm tra doanh nghiệp có sử dụng nhiều tài xế để quản lý lượng phương tiện và sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là sức khỏe tài xế. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến các dự án BOT, theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 61 dự án BOT và kiến nghị giảm thời gian thu phí hơn 220 năm. Thế nhưng trước đó, Bộ GT-VT cùng Bộ KH-ĐT lại cho rằng không cần kiểm toán dự án giao thông BOT vì là dự án tư nhân. “Vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì người dân trả tiền oan hơn 220 năm và liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề này?”, đại biểu Phương đặt một loạt câu hỏi.
Phản hồi lại vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án BOT mới triển khai, bộ đã mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc chứ không phải bộ không đồng ý. Số lượng dự án BOT đã được kiểm toán là 100%. Cũng theo ông Thể, theo quy định của pháp luật, dự án BOT khi được phê duyệt thì Nhà nước sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư; khi nhà đầu tư hoàn thành xong thì quyết toán; sau đó điều chỉnh hợp đồng BOT và cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí. Còn nếu chỉ căn cứ vào dự toán là không đúng thực tế.
Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, Bộ trưởng nói không hề né tránh mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước là không thật chính xác. Cho biết đang ngồi cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước, theo đại biểu Phương, bộ chỉ chủ động mời kiểm toán 3 dự án. Còn trước đó, Bộ GT-VT cùng Bộ KH-ĐT không mời kiểm toán dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, trong quá trình làm, bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư mời Kiểm toán Nhà nước tham gia vào dự án từ đầu mà không phải sự chủ động, ý thức của chủ đầu tư. Còn sau này là chỉ hậu kiểm 3-4 dự án có vấn đề, có dư luận, cần làm rõ hơn nữa.
Bộ trưởng cho biết đã có văn bản giải trình về việc thu phí BOT nhưng đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) vẫn cho biết, cử tri lo lắng về tính minh bạch, cách tính thu phí, lưu lượng xe qua các trạm BOT và đề nghị cần công khai để người dân giám sát, tránh việc nhà đầu tư đã hoàn vốn vẫn thu.
Phản hồi lại, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc quyết toán dự án phải đảm bảo công khai minh bạch. Hiện 62 trạm BOT đã được quyết toán. Những tồn tại còn lại là liên quan đến giải phóng mặt bằng của địa phương và đang làm rõ để tính toán chi phí. Còn đầu ra, để đảm bảo việc người dân nộp phí đúng với khoản đầu tư của doanh nghiệp, bộ đã giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với kiểm toán rà soát việc thu phí. Đồng thời, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm nay, các dự án thu phí không dừng sẽ đi vào hoạt động. Trong đó, sẽ có phần mềm thu phí từng trạm, từ đó, doanh nghiệp có dự án, Tổng cục Đường bộ và sau đó sẽ kết nối số liệu với các cơ quan chức năng nhà nước. Việc báo cáo các số liệu này là tự động. Đến cuối năm nay cũng sẽ triển khai xong hệ thống camera để theo dõi và có thể xem xét lại việc thu phí từng ngày, giờ để nếu cần sẽ đối chiếu.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. |
Trả lời chất vấn về vấn đề phát triển du lịch bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn, nhưng Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”. Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.
Liên quan đến việc xử lý các công ty lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng khẳng định, đây là hành vi phải lên án và xử lý. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trước hết của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa tốt. Ở đây có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp. Chúng ta đã xử lý và bài học rút ra là khi cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành phải quan tâm hơn. Bây giờ cấp phép thành lập doanh nghiệp thoáng nhưng thoáng thì hậu kiểm, quản lý như thế nào, có tiêu chí gì, đây là những vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và lữ hành.
Bộ trưởng cũng cho biết, “đã tăng cường cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra công ty du lịch, lữ hành”. Tuyên truyền giáo dục xử lý vi phạm đối với các công ty du lịch. “Khách du lịch phải lưu ý nên chọn công ty lữ hành có uy tín năng lực, không nên tin lời của các công ty lữ hành có lời nói ngon ngọt lừa đảo”.
NGUYỄN LINH
(Tổng hợp)