KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2019):

Những ký ức vang dội non sông

Thứ Hai, 06/05/2019, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

65 năm sau ngày lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu (7-5-1954 – 7-5-2019), những CCB, người tham gia kháng chiến vẫn nhớ như in khoảnh khắc tự hào ấy.

Cái bắt tay hữu nghị của Cựu Chiến binh Nguyễn Đức Định (phường 8, TP. Vũng Tàu) và Cựu Chiến binh Pháp bên đồi A1 lịch sử trong lần về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 2014.
Cái bắt tay hữu nghị của Cựu Chiến binh Nguyễn Đức Định (phường 8, TP. Vũng Tàu) và Cựu Chiến binh Pháp bên đồi A1 lịch sử trong lần về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 2014.

KIÊN CƯỜNG NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN

Từng tham gia Tiểu đoàn 275, Đại đội Sơn pháo 757, Trung đoàn 675, CCB Phạm Hào (SN 1932, ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) vẫn còn nhớ như in từng kỷ niệm của ông cùng các đồng đội trong 55 ngày đêm ác liệt, kiên cường chiến đấu và chiến thắng. CCB Phạm Hào kể: Gian nan nhất là kéo pháo qua các quả đồi dựng đứng, vách núi cheo leo. Cứ từ tờ mờ tối đến trước 8 giờ sáng hôm sau khi sương mù chưa tan, từng tốp 4 chiến sĩ kéo trên đầu pháo, 4 chiến sĩ ở dưới đỡ và nhích pháo lên. 1 ngày, 1 đêm các chiến sĩ ta di chuyển được khoảng 2km đường rừng, kéo pháo đến đâu, các chiến sĩ ta ngụy trang đến đó. Sáng hôm sau khi đã về nơi trú ẩn an toàn, nhiều chiến sĩ mới thấy đau vì những vết trầy xước do trườn trên đá sắc nhọn. 

Một kỷ niệm không thể quên đối với CCB Phạm Hào và các đồng đội đó là lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên. Ông Hào nhớ lại: Khi ấy, với khí thế háo hức xung trận, phần nhiều lại do đường hành quân, chuyển pháo mệt mỏi, không thiết ăn nên anh em chiến sĩ trong đơn vị chỉ giữ lại nước. Bao nhiêu cơm vắt anh em định để lại hết. Đại tướng đến bên các chiến sĩ, ân cần vỗ vai động viên: Các cậu cố gắng mang theo lương thực. Phải ăn thì mới có sức chiến đấu. Lời Đại tướng vừa là mệnh lệnh vừa như lời của một người anh đối với các em, tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ ta kiên cường vượt gian khổ trong chiến dịch.

CCB Nguyễn Anh Thơi (SN 1933, ở phường 10, TP. Vũng Tàu) từng tham gia đơn vị bộ binh Trung Đoàn 302, Sư Đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại: Sau khi đánh tan công sự của địch ở vòng ngoài tại các đồi Him Lam, Độc Lập... đơn vị của ông được giao nhiệm vụ phối thuộc với các hướng đánh đồi A1. Khi ấy từng chiến sĩ trong đơn vị của ông viết lên mũ khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng A1” để thể hiện ý chí chiến đấu. Chỉ tay lên phía chân mày bên mắt phải - nơi còn đang găm lại mảnh bom khi chiến đấu trong chiến dịch, CCB Nguyễn Anh Thơi đùa: Nếu mảnh đạn sượt sang chút xíu, nhẹ thì mù mắt, nặng thì bây giờ đã không có thể ngồi đây kể chuyện. “Nhưng những vết thương ấy không đau đớn bằng việc chứng kiến đồng đội ngã xuống trong giao thông hào. Mỗi một đồng đội ngã xuống, chúng tôi lại đau thương bầu ngực để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng”- CCB Nguyễn Anh Thơi ngưng kể, tưởng nhớ đến các đồng đội đã mãi nằm lại nơi chiến trường xưa.

NIỀM VUI CHIẾN THẮNG 

Nói về sự xoay chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Nguyễn Anh Thơi nhớ lại: Đây là sách lược đúng đắn và tài tình của Đại tướng trong chiến dịch. Từ thế yếu đánh thế mạnh, quân và dân ta đã kiên cường, mưu trí giành chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 17h30 ngày 13-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Đợt 1 từ 13-3 đến 17-3, quân ta tấn công vào phân khu Bắc. Sau 5 ngày đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30-3 đến 30-4, tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh đêm. Ta dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào, dần bao vây, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của địch. Thừa thắng xông lên, quân đội ta mở đợt tấn công lần 3, từ ngày 1-5 đến 7-5 đánh chiếm các cứ điểm còn lại. 

Tham gia đơn vị Công binh Trung Đoàn 151, Đại Đoàn Công pháo 351 trong chiến dịch, CCB Nguyễn Đức Định (SN 1933, ở phường 8, TP. Vũng Tàu) còn nhớ như in sự kiện gần 1 tấn bộc phá nổ tung công sự ngầm được xây dựng kiên cố nhất của địch tại đồi A1.

CCB Nguyễn Đức Định hồi tưởng: Dưới lòng đất Đồi A1 lúc đó là công sự ngầm kiên cố. Trên có bộ binh, xe tăng và hỏa lực mạnh để bảo vệ hầm chỉ huy cứ điểm. “Lấy hầm trị hầm”, công binh của ta được lệnh đào một đường hầm đến hầm ngầm của địch và đặt bộc phá. Khoảng 2h sáng ngày 6-5, trong màn đêm bỗng có một tia chớp, ánh lửa kèm theo tiếng nổ long trời lở đất. Tiếng nổ ấy chính là quả bộc phá nghìn cân - mở đầu cho cuộc tổng tấn công. Bộ đội ta từ bốn phía xông lên, pháo của ta bắn nhiều vô kể, sáng rực cả một vùng trời Điện Biên. Ta càng đánh càng hăng, ta thì áp sát còn địch thì cố phản công. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. 

Đến 5h chiều ngày 7-5-1954, từng đoàn lính Pháp giương cờ trắng lũ lượt ra hàng. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên nóc hầm. Tướng Đờ Cát xin hàng. Chiều và đêm ngày 7-5, tiếng bom đạn, máy bay, xe tăng địch im bặt. Thay vào đó là tiếng reo hò như sấm dậy vang động cả núi rừng của các chiến sĩ ta. Bộ đội, đồng bào các dân tộc ôm nhau mừng vui khôn xiết. Cả núi rừng Tây Bắc đêm đó không ngủ như mừng trận đại thắng.

Năm 2014, khi trở lại chiến trường xưa, CCB Nguyễn Đức Định gặp lại những người lính Pháp ở bên kia chiến tuyến 60 năm về trước. Trò chuyện với nhau, các CCB Pháp bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần đấu tranh kiên cường của bộ đội ta. 

Với các CCB, người tham gia phục vụ chiến dịch, chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm về trước mãi là niềm tự hào dân tộc bất diệt, âm vang hào hùng về tinh thần đấu tranh cách mạng trung kiên.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.