Những chiếc xe đạp thồ huyền thoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội dân công cùng những chiếc “xe đạp thồ” ngày đêm âm thầm ra trận phục vụ chiến dịch.
Những chiếc xe đạp thồ đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. ẢNH TƯ LIỆU |
Để cứu vãn danh dự, ngày 7-5-1953, Pháp cử Tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre vạch kế hoạch: Trong 2 năm 1953-1954, quân Pháp sẽ giành lại thế phòng ngự chiến lược, tập trung xây dựng lực lượng cơ động mạnh, tiến công để kết thúc chiến tranh.
Khi quân ta tiến lên Tây Bắc, Navarre cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và tập trung xây dựng nơi đây thành một cứ điểm quy mô lớn, “Pháo đài bất khả chiến bại” và là một “Cứ điểm để nghiền nát chủ lực Việt Minh”.
Tháng 12-1953, Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Cái khó lớn nhất mà cả phía ta và địch đều có chung nhận định là vấn đề tiếp tế hậu cần. Navarre lập luận: Điện Biên Phủ xa hậu cứ của Việt Minh 400 - 500 km, qua nhiều rừng rậm, núi cao. Bằng sức người và phương tiện thô sơ, Việt Minh không thể tiếp tế nổi lương thực, thực phẩm, đạn dược. Mùa mưa tới, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, bệnh tật bùng phát, lúc đó không đánh cũng thua. Giỏi lắm chỉ một tuần là Việt Minh phải rút lui vì cạn tiếp tế!
Điện Biên Phủ vừa cách xa trung tâm hậu phương, lại vừa có địa hình hiểm trở, đèo cao, vực sâu, thời tiết khắc nghiệt. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”, từ dự kiến đánh trong 3 ngày 2 đêm chuyển sang đánh dài ngày, đòi hỏi khối lượng vật chất lớn gấp bội. Trong cái khó ló cái khôn, càng khó khăn bao nhiêu, người Việt Nam càng sáng tạo bấy nhiêu. Và Điện Biên Phủ đã xuất hiện điều làm cho thực dân Pháp và cả thế giới phải kinh ngạc: “Xe đạp thồ” - dấu ấn độc đáo, đặc sắc, có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Xe đạp Peugeot do Pháp sản xuất và do chính người Pháp đưa sang Việt Nam. Trớ trêu thay, dù họ không muốn, nhưng người Việt vẫn biến nó thành xe thồ - một loại “vũ khí đặc biệt” chống lại cuộc xâm lăng của chính người Pháp. Trí tuệ thông minh và sáng tạo, các anh chị dân công đã cải tiến chiếc xe đạp để có thể thồ được 200-300 kg hàng hóa. Thế giới phải ngả mũ thán phục, khi con người Việt Nam cùng chiếc xe đạp đều nhỏ bé nhưng đã nâng trọng tải thồ của xe lên đến 325 kg, một con số xứng đáng được ghi vào sách Guinness! Trọng tải một xe đạp thồ bằng 100 dân công gánh bộ; xe lại không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang che mắt máy bay địch, có thể đi lẻ, đi thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết, đi trên những loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không đi được; xe không chỉ chở được vật tư cồng kềnh, chất lỏng, mà khi cần có thể ghép 2 xe với nhau chở được 2 thương binh tư thế nằm hoặc 4 thương binh tư thế ngồi; ban đêm dùng ánh sáng đèn của xe giúp bác sĩ phẫu thuật cho thương binh; khi máy bay địch đánh phá, xe đạp thồ tìm nơi ẩn nấp nhanh gấp bội lần xe cơ giới.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng động viên lực lượng toàn dân, với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và cả nước đã quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có công tác tiếp tế hậu cần. Thời điểm đó, xe đạp là tài sản thuộc hàng hiếm và quý, vậy mà nhân dân Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh Liên khu Ba, Việt Bắc, Tây Bắc đã đóng góp 21.000 chiếc xe phục vụ chiến dịch. “Binh chủng xe đạp thồ” ra đời và được tổ chức chặt chẽ như quân đội. Hàng vạn dân công mỗi tỉnh được tổ chức thành đoàn, trong đoàn hình thành từng đại đội, trung đội, mỗi trung đội chia ra thành từng nhóm, mỗi nhóm có 5-6 xe để hỗ trợ nhau vượt qua những cung đường hiểm nguy. Ngày nghỉ, đêm đi, qua bao thác ghềnh, suối sâu, đèo cao, vực thẳm, gió rét, mưa rừng, muỗi, vắt, thú dữ, đạn bom… Khi xe hư, khi đồng đội hy sinh và đôi khi đường trơn, lỡ chân cả người và xe rơi xuống vực sâu… Khó khăn, gian khổ, đói rét, bệnh tật và ác liệt vẫn không thể ngăn được những “con ngựa sắt” - “Binh đoàn xe đạp thồ” ngày đêm hướng ra tiền tuyến, tiến lên Tây Bắc, về với Điện Biên.
Cả chiến dịch, đội quân xe đạp thồ một mặt đã vận chuyển hoàn thành hàng ngàn tấn hàng hóa, giúp chiến trường chưa bao giờ bị gián đoạn về hậu cần từ lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết khác, góp phần làm nên một Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mặt khác, khi “Binh đoàn ngựa sắt” đối đầu với những vũ khí tối tân đã gây nên bất ngờ lớn: Những gì Pháp tưởng chừng như không thể thì Việt Minh đã biến thành có thể. Chiếc xe đạp mảnh mai biến thành xe vận tải có sức mạnh thần kỳ đã vượt ngoài sức tưởng tượng của người Pháp!
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lập nên nhiều kỳ tích: Dân ra trận nhiều hơn quân; địch tiếp tế nhầm cho ta và đặc biệt xe đạp lên ngôi “vua vận tải”, thành lực lượng xe đạp thồ quân sự lớn nhất trong lịch sử chiến tranh. Xe đạp thồ đã trở thành huyền thoại, đi vào huyền thoại và làm nên con đường huyền thoại đến Điện Biên Phủ. Một ký giả người Pháp phải thừa nhận một sự thật cay đắng, rằng: “Tướng Navarre đã thua chính những chiếc xe đạp Peugeot chở 200 - 300 kg, được điều khiển bởi những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trên những tấm nilông”.
NGUYỄN QUANG PHI