Sáng 31-5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình về những hạn chế, bất cập của nền kinh tế, cần tháo gỡ trong thời gian tới.
CHỐNG THẤT THU THUẾ ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn. “Năm 2018, hơn 131 ngàn DN thành lập mới nhưng có tới 107 ngàn DN tạm ngừng hoạt động và giải thể” - Bộ trưởng cho biết. Đồng thời, các DN mới thành lập chủ yếu là DNVVN, siêu nhỏ được hưởng ưu đãi thuế, do đó đóng góp vào ngân sách nhà nước là không nhiều. Số DN hoạt động có lãi chiếm 40% tổng số DN đã nộp tờ khai thuế. Số DN phát sinh thuế giá trị gia tăng dương chỉ chiếm 26% tổng số DN kê khai. Một số DN có thu lớn trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như: nhóm DN khai thác khoáng sản, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động...
Về công tác quản lý thu chống thất thu thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 19 ngàn tỷ đồng, giảm lỗ 40,9 ngàn tỷ đồng. “Vì vậy, số nợ đọng thuế năm 2018 đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Trong đó, số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45 ngàn tỷ đồng năm 2017 xuống 38,75 ngàn tỷ đồng năm 2018. Số thuế nợ không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2018 là 37,57 ngàn tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017 và chiếm 49,2% tổng nợ.
SỚM KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được năm 2018. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ở mức cao đạt 7,08% (lần đầu tiên sau 10 năm đạt tốc độ cao này), tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng… Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nền kinh tế vẫn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Cụ thể, cấu trúc hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông tuy được cải thiện, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển. Đây cũng là lĩnh vực gây ra một số bức xúc của người dân, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương. Người đứng đầu ngành Kế hoạch - Đầu tư cũng thừa nhận, trình độ khoa học công nghệ và quản lý chưa tốt, dẫn đến đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng chưa là động lực để phát triển bứt phá, đưa nền kinh tế tiến nhanh, tiến xa. Việc cơ cấu các ngành, lĩnh vực còn thiếu bền vững... Trong khi đó, năng lực quản lý xã hội còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của văn hóa, xã hội, mở cửa hội nhập quốc tế. Sự bùng nổ thông tin với tốc độ lan truyền nhanh chóng, phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đang đặt ra yêu cầu mới về cải cách bộ máy, tư duy tổ chức, quản lý xã hội.
TIẾP TỤC GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Kết luận Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ DNNVV; tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và DN; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.
Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của DN, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai.
PHƯƠNG TÙNG