Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 23-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: QUANG KHÁNH |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho thấy, một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại. Cũng có ý kiến cho rằng, quy định cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn nhưng cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên là bất công, không hợp lý.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; nâng khoảng cách không được quảng cáo tính từ các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em lên 500m.
Thảo luận tại hội trường, vấn đề quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Dẫn chứng từ các vụ việc nhức nhối như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục... do tác hại của rượu, bia gây ra, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát được tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí trở thành tội phạm. “Thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm”. Dẫn chứng những con số này, bà Hiền bày tỏ lo ngại trong điều kiện bia được tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
Nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ nhóm yếu thế - trong đó có trẻ em trước tác hại của rượu, bia, đại biểu bày tỏ băn khoăn trước độ vững chắc của các nhóm giải pháp mang tính ngăn ngừa hiện nay. “Trước hết, đối với quy định về quảng cáo, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh, thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng”, đại biểu đề xuất.
Đồng tình với quan điểm cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề quảng cáo, tiếp thị rượu bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng một số điều luật được cho là "xương sống" của dự thảo luật lần trước như cấm quảng cáo, cấm bán rượu, bia trên internet… đã bị "đẩy ra ngoài luật" cho thấy những vấn đề đặt ra tại kỳ họp trước không được giải trình thỏa đáng. “Dự thảo đã chế định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó Điều 16 quy định kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm... Nội dung kiểm soát độ tuổi cũng được chế định tại Khoản 5 Điều 2 về quản lý quảng cáo rượu bia... Trong thực tế, nếu làm được điều này, tôi đề nghị Chính phủ phải làm ngay để kiểm soát, ngăn chặn việc truy cập hàng ngày, hàng giờ các trang web với những thông tin phản động, xuyên tạc, đồi trụy, phản văn hóa, điều mà Luật An ninh mạng quy định rất chặt chẽ, khắt khe nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được”, đại biểu Nhân nêu ý kiến về tính khả thi của một số nội dung trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý: Về các hành vị bị nghiêm cấm ở Điều 5 thì ở khoản 6, bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, đề nghị bỏ cụm từ "khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi", vì nếu quy định thế thì người bán rượu bia vẫn có thể bán cho người dưới 18 tuổi và họ sẽ nói rằng tôi chưa biết rõ người đó không đủ 18 tuổi. “Theo tôi, nên bổ sung thêm "cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; người có dấu hiệu say rượu bia" và bổ sung một nội dung nữa "sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán rượu bia". Điều này hết sức cần thiết, tức là đã không bán cho người đủ 18 tuổi rồi thì chúng ta cũng không cho người ta sử dụng những người chưa đủ 18 tuổi để bán rượu bia…
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia…
HIỀN HẠNH