Cách đây 44 năm, cùng với quân và dân cả nước dốc sức cho chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh, gần 300 lính tinh nhuệ đặc công Hải quân Việt Nam đã hải trình khẩn cấp ra giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là những người lính của Đoàn đặc công Hải quân 126.
Thiếu tướng Mai Năng. |
CUỘC HẢI TRÌNH KHẨN CẤP
Sau 44 năm quần đảo Trường Sa được giải phóng, cuộc hải trình thần tốc và chiến đấu oanh liệt trên đảo Trường Sa ngày ấy vẫn in đậm trong trí nhớ của Thiếu tướng Mai Năng - người chỉ huy lực lượng ra giải phóng Trường Sa tháng 4-1975. “Chuyện giải phóng Trường Sa tôi quên sao được. Đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong đời lính biển của tôi”, ông nói khi tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở TP. Hải Phòng.
Nhấp ngụm trà xanh, ông Năng nhìn ra khoảng sân trước nhà như lục lại ký ức một thời hoa lửa. “Lớp chúng tôi ngày ấy nói đi Trường Sa hăng hái lắm. Khi nhận được kế hoạch giải phóng Trường Sa, tôi nghĩ có thể mình sẽ không trở lại nữa, nhưng khí thế của ngày giải phóng đất nước cứ hừng hực trong tim. Vậy là lên đường không hề do dự gì”, ông Năng chia sẻ.
Đêm 10-4-1975, từ bến cảng Sơn Trà, Đà Nẵng, “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc mang số hiệu 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi. Những đợt sóng lừng liên tiếp như muốn vùi dập những con tàu nhỏ bé xuống biển sâu. Trong bụng những con tàu đó chứa gần 300 chiến sĩ Đội 1, Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng tấn đạn dược hướng về Trường Sa. Thiếu tướng Mai Năng lúc đó mang quân hàm Trung tá, đi trên tàu 675, đảm nhận chức chỉ huy biên đội tàu. Trước lúc lên đường, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho biên đội tàu: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào, tranh thủ thời cơ có lợi giải phóng quần đảo Trường Sa. Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác”.
Sau hơn 3 ngày đêm hải trình, rạng sáng 13-4-1975, biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường Sa, chỉ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này… Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”. Trong khi 2 tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết, thì tàu 673 do Đội trưởng đội 1 Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy bí mật trinh sát vòng ngoài quanh đảo, xác định rõ vị trí đổ bộ.
1 giờ sáng 14-4-1975, biên đội tàu 673, 674, 675 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây từ khoảng cách 3 hải lý. Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ Đội 1 bí mật áp sát mép đảo, vào vị trí chiến đấu, đội trưởng Quế hạ lệnh “nổ súng”. Loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt, ụ súng địch. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. “Cuộc chiến đấu diễn ra rất oanh liệt. Các chiến sĩ trẻ chiến đấu rất dũng cảm, thương vong không đáng kể. Đây là chiến công đầu tiên, khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến đấu làm chủ vùng biển của hải quân Việt Nam”, ông Năng kể.
Lúc 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975, lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Sau khi giải phóng Song Tử Tây, đêm 23, rạng sáng 24-4, tàu 673 tiếp tục chở lực lượng đặc công giải phóng các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa như: Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. 9 giờ sáng 29-4, Hải quân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn đảo Trường Sa Lớn.
Chiến sĩ Trường Sa hôm nay. |
VIẾT TIẾP BẢN HÙNG CA
Kỷ niệm 44 năm giải phóng Trường Sa, thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân Nhân dân Việt Nam tưởng nhớ hơn 3.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trước họng súng của kẻ thù, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang: “Không chùn bước. Hãy để máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Khi bị địch bắt, người lính Gạc Ma binh nhất Trần Thiên Phụng thét vào mặt quân thù: “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”. Để khẳng định chủ quyền Tổ quốc, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co với địch từng tấc đảo, quyết tâm cắm cờ Tổ quốc trên rạn đá Gạc Ma.
Lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đảo Gạc Ma ngày ấy, là lá cờ kiêu hãnh, đẹp đẽ nhất trong lịch sử Hải quân Việt Nam. Lá cờ ấy đã nhuộm máu của nhiều đồng đội, dệt nên bản hùng ca Trường Sa. Và chính nó đã xây dựng một tượng đài Gạc Ma trong lòng nhân dân. Tượng đài ấy, ẩn chứa 64 linh hồn bất tử, bi tráng mà tự hào, đau thương mà kiêu hãnh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa năm 1988. Tượng đài ấy đã, đang và mãi được thế hệ người lính Trường Sa tiếp bước, noi gương và tự hào.
Nắng có thể đốt cháy da người, bão tố cuồng phong có thể làm những gốc phong ba bật rễ, gian khổ có thể làm cho mái đầu người lính thêm nhiều sợi bạc, nhưng không làm lung lay được ý chí chiến đấu của người lính Trường Sa. Đó là ý chí của khát vọng hòa bình. Để rồi sau mỗi chặng hải trình gian khổ, sau mỗi ngày vác đá xây đảo ngâm mình trong nước biển mặn, sau những giờ lăn lê, bò trườn trong nắng lửa mưa rào, các anh vẫn hát “Khúc quân ca Trường Sa” giữa mênh mông biển cả: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, viết tiếp bài ca về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ…”.
Khách từ đất liền cùng chiến sĩ Trường Sa hát vang bài ca biển đảo. |
Lịch sử đã sang trang, quần đảo Trường Sa đã khoác lên mình màu áo mới. Doi cát nhỏ giữa đại dương 44 năm trước là thuốc súng và sỏi đá khô cằn, nay là thị tứ sầm uất giữa trùng khơi, xanh mát bởi cỏ cây hoa lá và những công trình dân sinh của quân, dân huyện đảo. Đất nước không còn tiếng súng, biển đảo hiền hòa, nhưng Trường Sa chưa một phút bình yên. Ở nơi “chân trời” Tổ quốc ấy, những người lính Trường Sa vẫn đêm ngày đối mặt với thiên tai, bão tố và sự nhòm ngó của kẻ thù. Trằn mình trong mưa rào nắng lửa, đứng gác trong gió gào sương lạnh, lính Trường Sa quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Mang trong tim mình sứ mệnh thiêng liêng Đảng giao gió, nhân dân tin tưởng, dù nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố, đảo chìm hay đảo nổi, không phân biệt cấp bậc cao hay thấp, những người lính Trường Sa luôn tự hào về lịch sử vinh quang của Quân chủng Hải quân anh hùng, đúng như lời Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân đã nói: “Đời đẹp gì hơn bằng người lính Trường Sa”.
MAI THẮNG - MẠNH DƯƠNG