50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969-2019)

Sự trường tồn của một tư tưởng lớn về "Đảng cầm quyền"

Thứ Tư, 15/05/2019, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay từ ngày 1-3-1947 với văn kiện “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” đến bản Di chúc (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều quan tâm đến một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng của thời đại là vấn đề “Đảng vô sản cầm quyền” và làm thế nào để Đảng cầm quyền ấy vì nhân dân phục vụ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kê một loạt các thói tật nội tại mà Người đánh giá còn nguy hiểm hơn kẻ thù bên ngoài như: “Địa phương chủ nghĩa, bè phái, trù dập, dìm người giỏi, quan liêu, hẹp hòi thiển cận, kém trí thức, tha hóa, địa vị, công thần, xu nịnh, ưa xu nịnh…”; “Vào Đảng “bất tài” nhưng “dễ phát tài” nhờ có Đảng tịch…”; “Cơ chế tốt, bộ máy tốt mà con người cố tình xuyên tạc thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái bậy, cái ác” để nhắc nhở Đảng ta phải loại bỏ những thói tật nội tại đó.

Lênin từng nói: “Không một thế lực nào có thể phá hủy được sự nghiệp cách mạng của chúng ta, trừ khi chúng ta tự phá hủy”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Lênin, ngay trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Hồ Chí Minh đã nêu bật những điều quan trọng, cần thiết đối với Đảng cầm quyền. Trong những điều quan trọng và cần thiết ấy, Người đặc biệt nhấn mạnh khoa học (lý luận), dân chủ, đạo đức, không chỉ với tổ chức Đảng và chính quyền mà còn với tất cả cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy, nhất là với những người lãnh đạo. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Ngược dòng lịch sử, là quy luật, ở đâu Đảng cầm quyền xa rời nguyên lý phải luôn luôn tự hoàn thiện mình thì ở đó chóng hay chầy không tránh khỏi tai họa. Do đó, cách đây 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lo lắng cho nguy cơ Đảng cầm quyền bị suy thoái, vì vậy, Người đã tâm huyết viết lại những dòng Di chúc để căn dặn hậu thế. Một trong những nội dung cơ bản của Di chúc được nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và mỗi cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiện, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng ta đã “một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc… đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. “Đây là một Đảng cầm quyền kiểu mới của giai cấp vô sản… Đảng phải làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng, hạnh phúc”.

Trong thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng cầm quyền đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, lập nên những kỳ tích có ý nghĩa thời đại: Kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, tiến hành 20 năm chống cuộc chiến tranh xâm lực của Mỹ, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Để làm tròn sứ mệnh Đảng cầm quyền, Đảng phải tăng cường tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, phải không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Người còn căn dặn: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên không những phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn tùy theo điều kiện cụ thể phải học tập những kiến thức cơ bản của các ngành khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, học quản lý, học nghiệp vụ. Là một Đảng cầm quyền phải mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân, tổ chức quần chúng phê bình xây dựng Đảng để Đảng ta ngày càng vững mạnh”.

Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là: “Đảng cầm quyền phải thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Đây là vấn đề mà Người đã nhiều lần đề cập đến ngay sau khi nhân dân ta giành được chính quyền từ năm 1945. Trong Di chúc Người viết: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Ngày nay đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những năm qua thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dưới sự tác động của những mặt tiêu cực trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách niệm trước Đảng, trước nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã quy định về trách nhiệm nêu gương rất cụ thể. Nghị quyết của Đảng đã thể hiện sự quyết tâm rất cao nhằm đạt mục đích “phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng Cách mạng chân chính, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân”.

Trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta càng thấm thía những lời di huấn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc trước lúc đi xa. Vì lẽ đó, Đảng ta càng thấm nhuần nguyên tắc: “Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt… Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân, đó là điều kiện tồn tại và phát triển của Đảng, là cội nguồn sức mạnh của Đảng”. 

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG

(Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh) 

 
;
.