Thực hiện Di chúc của Bác đối với việc chăm lo đền ơn, đáp nghĩa người có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ, những năm qua, xã Long Phước (TP.Bà Rịa) thường xuyên quan tâm, nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống người có công trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Đức Mỹ, cán bộ phụ trách hoạt động LĐTBXH xã Long Phước hướng dẫn người có công thanh toán chi phí sửa chữa nhà. |
LUÔN QUAN TÂM, CHĂM SÓC
Ngôi nhà cấp bốn của bệnh binh Trần Văn Hòa (tổ 4, ấp Phước Hữu, xã Long Phước) vừa được nâng cấp, sửa chữa lại. Trước kia, ngôi nhà của vợ chồng ông Hòa tềnh toàng, xuống cấp. Đến tuổi 58, ông Hòa vẫn không thôi mơ ước sửa sang lại căn nhà kiên cố để che mưa, che nắng cho gia đình nhưng làm mãi vẫn không có dư. Nhà có 3 sào ruộng, vợ chồng ông làm cật lực cũng chỉ tạm đủ nuôi 5 người con trưởng thành. Kinh tế khó khăn, ngôi nhà cất hơn 20 năm theo thời gian bị hư hỏng nhiều chỗ nhưng ông vẫn không có tiền sửa. Khi cán bộ thương binh xã hội xã Long Phước xuống tận nơi khảo sát, nắm tình hình hoàn cảnh đã đề xuất, hướng dẫn ông Hòa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hưởng chính sách sửa chữa nhà. Hơn 1 tháng thi công, với kinh phí 20 triệu đồng, ông Hòa đã sửa sang lại căn nhà kiên cố hơn. Toàn bộ tôn bị lủng được thay, một số cột sắt đỡ được dựng lên thay cho cột gỗ đã mục. Ông Hòa vui mừng cho hay: “Giờ mưa, nắng vợ chồng tui cũng không lo nữa. Mấy nay đi đâu tui cũng khoe với chòm xóm về tình cảm mà Nhà nước dành cho gia đình chính sách như tui”.
Cùng chung niềm vui ấy, bà Phạm Thị Hiền, con liệt sĩ (tổ 2, ấp Bắc) cũng được hỗ trợ sửa nhà. Ngày hay tin bà Hiền được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà, bà con chòm xóm ai cũng mừng. Mấy hôm nay bà Hiền tất bật liên hệ tìm thợ để sửa lại tường bị nứt, thay mái tôn bị lủng và lót gạch mới cho căn nhà cấp bốn. Phía trước nhà, vật liệu xây dựng đã được tập kết, chuẩn bị thi công. Bà Hiền cho hay: “Vợ chồng tui bàn nhau phụ thêm chút đỉnh để sửa lại nhà cho khang trang làm chỗ ở cho các con. Gia đình tui thuộc diện khó khăn, chồng làm phụ hồ, tui ở nhà nuôi heo, làm vườn. Kinh tế không lấy gì làm dư giả nên giờ được hưởng chính sách sửa nhà, tui mừng lắm”.
Xã Long Phước hiện đang quản lý 1.061 người có công với cách mạng, trong đó có 445 liệt sĩ, 99 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 76 thương binh, 38 bệnh binh, 122 người hoạt động kháng chiến, 88 người bị địch bắt tù đày… Hiện toàn xã có 270 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng gồm: 85 thương binh, 39 bệnh binh, 2 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 8 người có công giúp đỡ cách mạng…
|
Những ngày này, 81 ngôi nhà của gia đình chính sách trên địa bàn xã Long Phước đang được tiến hành xây mới, sửa chữa. Theo bà Nguyễn Thị Đức Mỹ, cán bộ phụ trách hoạt động LĐTBXH xã Long Phước thì để giúp người có công hưởng đúng chính sách, bà đã xuống từng hộ khảo sát, lắng nghe hoàn cảnh từng gia đình. Với từng hoàn cảnh cụ thể, bà hướng dẫn cách hoàn thiện hồ sơ để từng gia đình được hưởng đúng chính sách. Đối với các trường hợp khó khăn đột xuất, bệnh hiểm nghèo, bà đều xuống tận nơi thăm hỏi, đề xuất cấp trên hỗ trợ. Với những đối tượng chính sách lớn tuổi, khó khăn đi lại, hàng tháng bà đều xuống tận nhà chi trả trợ cấp hàng tháng… Bà Mỹ cho hay: “Làm chính sách người có công với tôi vừa là nhiệm vụ, vừa để thể hiện tình cảm, trách nhiệm với thế hệ cha, anh. Tôi luôn tâm niệm lời chỉ dạy, căn dặn của Bác Hồ về tình cảm, trách nhiệm của thế hệ sau đối với người có công và cố gắng để làm việc bằng tấm lòng đối với những người không tiếc máu xương của mình, hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc”.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÓ CÔNG
Trong Di chúc Bác Hồ viết: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”, mỗi cán bộ, nhân viên. Thấm nhuần lời căn dặn ấy, những năm qua, xã Long Phước luôn coi trọng và nỗ lực thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Các chính sách chăm lo ngày càng thiết thực, hiệu quả, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Nổi bật như: Hỗ trợ nguồn vốn vay từ 50-100 triệu đồng/hộ giúp các hộ có nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi; Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề; Thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đối tượng chính sách khó khăn; Cấp BHYT; Tổ chức đưa đối tượng chính sách đi an dưỡng, điều dưỡng; Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… Hàng năm, xã Long Phước long trọng tổ chức Ngày Đại giỗ Thương binh-Liệt sĩ 27-7 để tri ân, tôn vinh công lao của thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, xã cũng đã đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, vận động nuôi dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN