.

Nâng cao chất lượng trường nghề

Cập nhật: 16:19, 15/04/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, một số trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đổi mới chương trình, phương thức đào tạo nghề theo hướng sát thực tế. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực hiện nay, các trường cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra thực tế công tác đào tạo nghề tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu.
Đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra thực tế công tác đào tạo nghề tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu.

Hiện nay, các trường không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mà còn điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng thời lượng thực hành, phù hợp nhu cầu của DN; đồng thời duy trì quan hệ mật thiết với DN, giúp học viên có cơ hội thực hành nâng cao tay nghề tại DN. 

Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ tỉnh hiện đang đào tạo 3.389 HS-SV hệ trung cấp và cao đẳng, 71 học viên hệ sơ cấp và các khóa đào tạo thường xuyên. Trong khi nhiều trường rơi vào cảnh “đỏ mắt” tìm người học thì chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường đều tăng. Kết quả này là nhờ phương thức tuyển sinh bài bản của trường. Hàng năm, trường chủ động liên hệ với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh để hướng nghiệp, tuyển sinh; tổ chức đưa, đón HS tham quan thực tế môi trường học tập tại trường… 

Để nâng cao hiệu quả đào tạo, nhà trường tăng thời gian học thực hành lên 60-70% thời lượng chương trình; đưa các nội dung kỹ năng mềm, kỹ thuật an toàn lao động, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) và tin học theo chuẩn quốc tế vào chương trình đào tạo. Trường cũng đã xây dựng chuẩn đầu ra với các ngành trình độ trung cấp, cao đẳng để định hướng cho học viên học tập, rèn luyện và làm cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo. 

Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ tỉnh cho biết, một số nghề như: Hàn, cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí… trường tổ chức cho HS-SV thực hành, nâng cao tay nghề tại DN. Trường còn mời kỹ sư từ các DN đến giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học viên, cũng như mời DN đầu tư trang thiết bị để kết hợp đào tạo nghề gắn với sản xuất tại trường. 

Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cũng hợp tác chặt chẽ với các DN để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa phương thức đào tạo. SV được gửi đến những DN uy tín, các nhà hàng, khách sạn từ 3 sao trở lên để thực tập nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng nghề. Các DN tham gia vào quá trình đào tạo cũng đã tự đảm nhận một số nội dung giảng dạy, phối hợp coi và chấm thi tốt nghiệp. 

Bà Đinh Bích Diệp, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài khuyến khích HS-SV đi thực tế tại DN, trường còn tạo điều kiện cho các em tham gia các kỳ thi tay nghề trong, ngoài nước; tăng thời lượng giờ học thực hành lên 70%. Năm 2018, trường đã ban hành 12 bộ chương trình đào tạo theo hướng tập trung vào kỹ năng thực hành và rèn luyện tác phong làm việc theo chuẩn nghề nghiệp. Đồng thời, đào tạo 2 lớp thí điểm quốc gia theo chương trình chuyển giao của Úc các nghề Quản trị nhà hàng và Hướng dẫn du lịch hệ cao đẳng. Việc giảng dạy và học tập thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tới đây, Trường sẽ tiếp nhận chương trình đào tạo quốc tế chuyển giao của CHLB Đức 2 nghề Quản trị khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn hệ CĐ. 

SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ tỉnh trong giờ thực hành.
SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ tỉnh trong giờ thực hành.

Dù góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nhưng các trường nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đợt làm việc với 2 trường mới đây, Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận công tác đào tạo của các trường hiện vẫn còn một số hạn chế như cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp; thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đơn cử như Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ tỉnh cần tuyển sinh, đào tạo nguồn lao động cho Dự án Hóa dầu Long Sơn nhưng chưa triển khai được; Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu khó khăn về cơ sở vật chất khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn về quỹ đất do tổng diện của trường chỉ 4.500m2, trong khi quy định về diện tích đất tối thiểu của trường cao đẳng ở nội ô phải đạt 2,5 ha. 

Thạc sĩ Trương Huỳnh Như kiến nghị để xây dựng trường đạt chuẩn chất lượng cao đến năm 2020, ngoài việc đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm, nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trong việc đầu tư trang thiết bị văn phòng, hạ tầng CNTT để quản lý và đào tạo. Đồng thời, cần có giải pháp, chính sách nâng cao đời sống đội ngũ giảng viên để thu hút người có trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề tham gia làm công tác giáo dục nghề nghiệp.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.