Tập trung nguồn lực thu hút cho phát triển, tăng trưởng
Sáng 18-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ với một số bộ, ngành và một số địa phương trọng điểm về kinh tế để bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế xã hội tháng 1 và 2 đạt những kết quả khởi sắc, nhưng đang xuất hiện những khó khăn, thách thức cần nhận diện và tháo gỡ. Trên thế giới, tình hình chiến tranh thương mại phức tạp tác động đến trong nước. Trong nước thời tiết trở ngại, nhất là hạn hán ở miền Nam và Tây nguyên; dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương phía Bắc... Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn sự trì trệ của một số địa phương, ngành trọng điểm trong chỉ đạo sản xuất kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực nhà nước và lĩnh vực tư nhân. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tập trung bàn giải pháp, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kiên định hơn nhằm hoàn thành toàn diện và vượt kế hoạch năm 2019, trước hết là tăng trưởng GDP.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ và địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Một trong những vấn đề quan trọng là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các điều kiện kinh doanh dù được cắt giảm nhưng vẫn chưa thực sự cởi trói. Các bộ cũng nêu giải pháp thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo, để thúc đẩy tăng trưởng; giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng điện tử, rau quả, lúa gạo; giải pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan. Cùng với đó là phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia; đẩy nhanh xử lý các dự án lớn còn tồn đọng.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không để tình trạng “ngâm lâu” hồ sơ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhấn mạnh xây dựng thể chế vẫn là nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ về thể chế, trong đó có việc xây dựng Nghị định về quy hoạch và đầu tư xây dựng. Thủ tướng chỉ đạo cần khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đề nghị mở một số hội nghị về các vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với các “cực” tăng trưởng quan trọng này.
Trước thực trạng vốn đầu tư công giải ngân còn chậm, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo trực tiếp đến từng dự án giải ngân chậm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đôn đốc, báo cáo kịp thời vấn đề này lên Chính phủ định kỳ hằng tháng, nếu cần thiết thì thành lập tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, phân bổ ngay đến từng ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp bách.
Thủ tướng chỉ đạo phải cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn nữa. Các bộ đều phải trình chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh: “Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND phải có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này. Các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, loại bỏ các rào cản gây khó dễ, chậm trễ, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mọi nguồn lực cần được tập trung thu hút cho phát triển, tăng trưởng”.
Thủ tướng kỳ vọng, các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, cả phía cầu và phía cung, thì có thể đạt mức tăng trưởng trên 7%.
VŨ DŨNG