Bên cạnh việc học tập, các hoạt động chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng cũng là một hoạt động đáng chú ý của giới sinh viên (SV). Trong những năm qua, các CLB sinh viên tình nguyện trực thuộc Hội Sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đối những hoàn cảnh khó khăn và xã hội.
SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM
Sáng 23-2, các thành viên CLB Tình nguyện thuộc Hội Sinh viên Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu đã có mặt tại hộ gia đình ông Trần Văn Quang ở thôn 2, xã Bình Trung, huyện Châu Đức để thu hoạch hồ tiêu giúp gia đình ông. Thời điểm này, hơn 1.000 cọc tiêu của gia đình ông Quang đang chín rộ. Giá tiêu xuống thấp trong khi tiền thuê nhân công hái tiêu lại cao khiến gia đình ông gặp khó khăn.
Sinh viên CLB Tình nguyện trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu thu hoạch hồ tiêu giúp gia đình ông Trần Văn Quang ở thôn 2, xã Bình Trung vào sáng 23-2. Ảnh: CÔNG BẰNG |
Sau khi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm, các SV tất bật hái, nhặt, thu gom và đưa hồ tiêu vào từng bao tải. Nhìn các SV cẩn thận hái từng chùm hồ tiêu và cho vào bao, ông Trần Văn Quang bày tỏ: “Tôi thực sự cảm động vì được các SV giúp đỡ. Nghĩa cử này giúp những hộ trồng tiêu như gia đình tôi thu hoạch đúng vụ để cây không suy kiệt, lại không tốn chi phí thu hoạch, giúp gia đình có thêm vốn đầu tư cho vụ sản xuất sau”.
Trước đó vào ngày 16 và 17-2, CLB Tình nguyện Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã tham gia thu hoạch hồ tiêu cho nông dân có khó khăn của huyện Châu Đức. Chị Trần Thị Bảo Vân, SV năm 3 Khoa Xã hội, Phó Chủ nhiệm CLB Tình nguyện cho biết: Giúp thu hoạch hồ tiêu là hoạt động đột xuất của CLB. Trước khi bước vào mỗi năm học mới, CLB đã xây dựng kế hoạch tình nguyện xuyên suốt cả năm. Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, CLB thực hiện nhiều hoạt động tình nguyện như: Thăm, tặng quà người già tại Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; thực hiện chiến dịch “Mùa hè xanh” 2018, dạy kèm cho HS từ tiểu học đến THPT ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) trong 1 tháng hè; hỗ trợ 20 triệu đồng giúp cha của bạn Đoàn Thanh Sang, SV năm 2 trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu điều trị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường ĐH, CĐ và 1 phân hiệu ĐH. Hội Sinh viên các trường CĐ: Kỹ thuật Công nghệ, Nghề Du lịch, Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu đều có CLB sinh viên tình nguyện. Riêng trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU) có 3 CLB. Việc thành lập CLB tình nguyện giúp Hội Sinh viên các trường thực hiện các hoạt động tình nguyện tập trung hơn. Thêm vào đó, các thành viên CLB tình nguyện chính là nòng cốt thúc đẩy phong trào, thu hút các SV tham gia, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Chị Nguyễn Ngọc Thanh, SV năm 4, Phó Chủ nhiệm CLB Người mang hơi ấm BVU (ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: CLB có 30 thành viên. Trước khi thực hiện một hoạt động vì cộng đồng, CLB đều thông báo thời gian, địa điểm cụ thể trên trang web Nguoimanghoiam.org, trên facebook Người mang hơi ấm BVU và trên website của trường để các bạn SV đăng ký tham gia. Sau mỗi hoạt động, các bạn SV thấy được ý nghĩa của những việc làm thiết thực nên thường xuyên giữ mối liên lạc với CLB để đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện tiếp theo.
KẾT NỐI VÀ LAN TỎA
Để giúp CLB Tình nguyện có kinh phí thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Đoàn trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát động phong trào “Nuôi heo đất” trong 33 Chi Đoàn trực thuộc. Số tiền đoàn viên, SV tiết kiệm, nuôi heo đất được Đoàn trường dành một phần để CLB thực hiện các hoạt động tình nguyện.
Còn với CLB Người mang hơi ấm BVU, hầu hết kinh phí tặng quà, hỗ trợ đột xuất cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đều do chính các thành viên CLB vận động các mạnh thường quân, DN. Chị Nguyễn Ngọc Thanh cho hay: SV không dư giả tiền bạc nhưng có sức và sự nhiệt tình. Chúng tôi trực tiếp đến địa phương để khảo sát và lập danh sách cụ thể những trường hợp thực sự khó khăn cần được hỗ trợ. Tiếp đó, CLB xây dựng kế hoạch chi tiết và mang đến trình bày với các mạnh thường quân, DN để kêu gọi sự hỗ trợ và mời họ trực tiếp tham gia hoạt động tình nguyện. Sau mỗi hoạt động, CLB lại có báo cáo chi tiết các khoản thu, chi. Tất cả kinh phí ủng hộ đều chi cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, mỗi hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của CLB đều nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các mạnh thường quân, DN. “Tay mình không đủ dài nhưng kết nối với nhiều bàn tay khác sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn” - chị Nguyễn Ngọc Thanh nói.
Theo chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, các CLB tình nguyện của Hội sinh viên các trường ĐH, CĐ đã và đang thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hội Sinh viên tỉnh đã định hướng để CLB của trường này kết nối với CLB của trường khác hoặc thông báo rộng rãi về hoạt động tình nguyện sắp diễn ra trên diễn đàn của các trường để SV trường khác đăng ký tham gia. Ngoài ra, Hội Sinh viên trường này cũng sẽ đăng ký tổ chức sinh hoạt CLB ở trường khác để giới thiệu mô hình hoạt động, kết nối với các SV có cùng sở thích, tự nguyện tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, để các hoạt động ngày càng lan tỏa.
PHÚC LƯU