Nhân tài với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược
Nhân tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, là lực lượng quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài là vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đặc biệt là trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược giai đoạn hiện nay.
“NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”
Nhân tài phải là người có cả tài năng, đức hạnh, đem tài năng và đức hạnh ấy phục vụ Tổ quốc. Sự xuất hiện của họ đem lại niềm tin, sức mạnh cho nhân dân và cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đó chính là hiền tài của đất nước, là “nguyên khí quốc gia”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “kiến thiết cần có nhân tài”. Người căn dặn: “để xây dựng nước nhà, chúng ta cần ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày càng tiến bộ, vừa phải đào tạo thêm trí thức mới”. Ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Tại Đại hội IX, Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu… có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Việc phát hiện và phát triển nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết trong tiến trình phát triển của xã hội. Bên cạnh việc bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực chuyên môn, việc tạo điều kiện để làm xuất hiện lớp người quản lý, lãnh đạo có tài năng, có học thức, có tầm nhìn chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng lại có một ý nghĩa khác. Lớp người này sẽ có vai trò lãnh đạo, tổ chức, phát huy những thành tựu của các nhà chuyên môn để phục vụ lợi ích tối đa cho cộng đồng, dân tộc, cho loài người. Do đó, việc thu hút và trọng dụng nhân tài, quan tâm đào tạo nhân lực để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NHÂN TÀI
Muốn thực hiện tốt chính sách nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay, một số giải pháp được đưa ra, đó là:
Một là, liên tục lựa chọn, phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài quản lý. Việc phát hiện và tuyển chọn phải bắt đầu từ quá trình giáo dục - đào tạo; bắt đầu từ những học sinh, sinh viên xuất sắc. Nói cách khác, giáo dục - đào tạo là biện pháp chuẩn bị học vấn chung cho một lớp người, trong số đó có những người giàu năng khiếu, nhiệt tâm lao động. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải coi trọng giáo dục, chấn chỉnh việc giáo dục - đào tạo làm sao phải “thực học để có thực lực”, phải coi trọng cả giáo dục khoa học lẫn đạo đức.
Thực hiện tốt chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi tuyển dụng, cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để người được tuyển dụng đủ đáp ứng yêu cầu trong các lĩnh vực công tác và bồi dưỡng thêm các môn khoa học xã hội theo hướng nâng cao kiến thức về con người, các quy luật tư duy và hoạt động của con người, các quy tắc ứng xử giữa con người…
Hai là, sử dụng, đãi ngộ nhân tài một cách hợp lý, để không làm “lãng phí” nhân tài cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Trong việc dùng nhân tài, “ta không nên căn cứ vào những điều kiện khắt khe”, “ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Việc bố trí cán bộ phù hợp với sở trường của từng người sẽ tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để nhân tài có thể phát huy tối đa khả năng cống hiến cho đất nước. Thực tiễn đã chứng minh, bất kỳ lĩnh vực nào, nếu không tạo ra được cơ chế thích hợp theo đúng quy luật phát triển, người lãnh đạo không biết nhìn nhận, thu hút, trọng dụng nhân tài thì chúng ta không thể sớm tạo ra được sự bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, nhiều địa phương đã có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài. Tuy nhiên, số lượng nhân tài thu hút được chưa đồng đều và chưa bền vững, số lượng nhân tài vẫn còn ít, chưa phát huy, tận dụng ở mức cao nhất, cơ chế sử dụng người tài vẫn còn bất cập, chưa đủ sức hút mạnh mẽ.
Ba là, đổi mới quy trình và tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sao cho những người có đức, có tài sớm được đưa vào những cương vị thích hợp để nhanh chóng phát huy tài năng, tạo động lực cho nhân tài phát huy tối đa khả năng, trí tuệ. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện các nội dung công tác cán bộ như quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách; lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan.
KIM LƯU