40 năm đã qua đi, những người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng đập tan cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Trung Quốc gây nên.
CCB Nguyễn Viết Xuân cùng vợ ôn lại những năm tháng đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 hào hùng. |
KIÊN CƯỜNG BẢO VỆ LÃNH THỔ THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC
Cùng đồng chí, đồng đội của mình có mặt tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979, CCB Nguyễn Viết Xuân (67 tuổi, ở số 41 đường Lê Ngọc Hân, phường 1, TP. Vũng Tàu) bùi ngùi nhớ lại: Tháng 9-1978, khi mới tròn 26 tuổi, ông được tăng cường về đơn vị Trung đoàn 16 – Trung đoàn cơ động của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, cùng đồng đội có mặt tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (tỉnh Yên Bái và Lào Cai ngày nay), sẵn sàng phục vụ, đấu tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc. Cuối năm 1978, khi Trung Quốc chưa sử dụng chiến thuật “biển người” tràn vào các tỉnh biên giới nước ta, cảnh vật, núi rừng, con người vùng biên trong mắt ông Xuân và các đồng đội đẹp và yên bình đến lạ thường. Khi từng đợt sóng bộ binh Trung Quốc kèm theo kèn trống trợ oai kéo dài hàng cây số tràn qua biên giới ngày 17-2-1979, một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra. Chúng dùng bộc phá cho nổ tất cả những gì xuất hiện trên đường đi ở khắp bản, làng của các tỉnh biên giới; bắn giết, bắt bớ người dân, trâu, bò, nông sản chúng phá tan hoang không chừa.
Lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm, nhận lệnh chiến đấu, các chiến sĩ Trung đoàn 16 (đóng chân tại xã Bảo Nhai, huyện Bảo Sơn, tỉnh Hoàng Liên Sơn) kiên cường đáp trả. Quân giặc đông, cứ lớp này ngã xuống lớp khác lại ồ ạt tràn vào. Địch mất mát cũng nhiều nhưng chiến sĩ ta hy sinh cũng không ít vì quân số chúng quá đông, hỏa lực mạnh. Những tấm gương các đồng chí của đơn vị đã anh dũng hy sinh như Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Quách Văn Rạng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Đại Huệ... càng thêm hun đúc ý chí chiến đấu quật cường của những đồng đội ở lại. “Cuộc đấu tranh năm 1979 có nhiều đồng chí, đồng đội và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”- ông Nguyễn Viết Xuân nghẹn ngào, ngưng kể để tưởng nhớ đến các đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa.
CCB Phạm Ngọc Thược (bìa phải) cùng đồng chí, đồng đội của mình ôn lại những năm tháng đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. |
Trên mặt trận thông tin liên lạc, từng tham gia đơn vị D15, E139, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc trong cuộc đấu tranh, CCB Phạm Ngọc Thược (58 tuổi, ở số 239/16 đường Nguyễn An Ninh, phường 9, TP. Vũng Tàu) chia sẻ: Ở mặt trận này, địch thường xuyên phá hoại đường dây thông tin liên lạc của ta. Tại các xã biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn, ông cùng các đồng đội kiên cường, mưu trí đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc từ Sở Chỉ huy đến các đơn vị và ngược lại. Trong làn đạn bom đạn ác liệt, dưới cái rét đậm của vùng cao biên giới và ăn uống kham khổ, thế nhưng ông cùng các đồng đội vẫn một lòng kiên định với cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.
SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ
CCB Phạm Quang Lập (64 tuổi, ở số 482/1, đường Trương Công Định, phường 8, TP. Vũng Tàu) từng tham gia đơn vị Trung đoàn pháo 190, Sư đoàn 345 nhớ lại: Trước tình thế chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, lớp lớp người lên đường bảo vệ Tổ quốc trở nên sôi sục, khẩn trương. Cũng trong những ngày tháng bom đạn ác liệt, ông gặp gỡ, cảm mến và lập gia đình với cô gái người Tày ở làng Chiềng, xã Cam Đường, TX. Cam Đường (TP. Lào Cai ngày nay). Với ông, vùng đất biên cương Lào Cai vừa là nơi ông cùng đồng đội chiến đấu vừa là quê hương thứ 2 mà ông chứng kiến, cảm nhận được nỗi đau địch dày xé tới chính đồng bào, người thân của mình. “Lịch sử phải sòng phẳng, chúng ta không nhắc lại nỗi đau, mà là tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc; là minh chứng cho thế giới chúng ta chiến đấu một cuộc chiến chính nghĩa. Đồng thời nhắc nhở cho thế hệ sau không ngừng rèn luyện, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc”- CCB Phạm Quang Lập nói.
Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả quyết liệt gây tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 18-3-1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta. Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, từ sau ngày 18-3, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số cao điểm thuộc các tỉnh biên giới nước ta, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng, kéo dài đến năm 1989.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn. “Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ Tổ quốc trong những năm 1979-1989. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này”- CCB Nguyễn Viết Xuân nói.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH