Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Tư tưởng nhất quán và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là giải phóng con người và ra sức đấu tranh để đòi lại những quyền thiêng liêng của con người.
Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Và “nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Người đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội, việc giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng.
Từ lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, Bác Hồ thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia” và khẳng định “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”, “phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”, “nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
Theo Bác Hồ, quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ là “Người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Trước lúc đi xa, trong di chúc để lại, Người biểu dương tinh thần chiến đấu hy sinh của phụ nữ và căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải quan tâm chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo”. Bác cũng yêu cầu các ngành, các cấp phải tạo mọi điều kiện để phụ nữ được học tập, công tác bình đẳng như nam giới. Bác cũng không quên nhắc nhở phụ nữ: “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong tiến trình phát triển của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc ta từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo nên phẩm chất đạo đức tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam thời đại mới là tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang. Để có thể tự tin vào bản thân, bình đẳng với nam giới, chị em đã phải nỗ lực rất nhiều trong học tập, lao động sáng tạo, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức để ngày càng hoàn thiện bản thân. Trong giai đoạn hiện nay, đó là những phẩm chất đạo đức giúp người phụ nữ đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong mọi giai đoạn của lịch sử, phẩm chất trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng. Hình ảnh người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, bận rộn, bộn bề với công việc cơ quan, trở về nhà các chị là những người vợ, người mẹ chăm lo vun đắp cho hạnh phúc gia đình đã tạo nên bản lĩnh riêng của mỗi người phụ nữ.
Ngày nay, đây đó vẫn còn định kiến đối với phụ nữ, nhưng xét toàn diện, phụ nữ Việt Nam đã phát huy được vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục, tầng lớp nữ trí thức có những công trình khoa học giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên trường quốc tế, Liên hợp quốc cũng xem bình đẳng giữa hai giới là góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do đó, Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã góp phần tạo nên nhiều việc làm cho nữ thanh niên Việt Nam. Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đang hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm… Việt Nam cũng nhận được nhiều sự trợ giúp của nước ngoài để phát triển an sinh xã hội cho phụ nữ.
Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại ngày một trưởng thành, lớn mạnh. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, gia đình và bản thân. Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Quan điểm tư tưởng về giải phóng phụ nữ của Bác Hồ luôn được thể hiện ở các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đã tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG