Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lệ thuộc vào chất lượng và số lượng đảng viên. Trong suốt chiều dài 89 năm xây dựng và phát triển của Đảng, cho thấy: Số lượng đảng viên là cần thiết, nhưng chất lượng của đội ngũ đảng viên mới là yếu tố then chốt, có tính quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, rằng: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.
Đồng chí Bùi Chí Thành, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Đức gắn Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho các đảng viên dịp 3-2-2019. Ảnh: MINH NHÂN |
Khi Đảng mới ra đời, chỉ có mấy trăm đảng viên, nhưng đã khẳng định được vai trò lãnh đạo và dẫn dắt toàn dân đứng lên đấu tranh chống thực dân, phong kiến, mở đầu bằng cao trào cách mạng 1930 - 1931 sôi nổi, rộng khắp mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Thời cơ cách mạng đến, hơn 5 ngàn đảng viên, Đảng vẫn kiên quyết phát động Tổng khởi nghĩa và toàn dân theo Đảng làm nên kỳ tích: Đập tan bộ máy cai trị của đế quốc Nhật và phong kiến, lập nên nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thời điểm cao nhất vào năm 1951 Đảng có hơn 750 ngàn đảng viên, vậy mà đã dẫn dắt cả dân tộc làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Chỉ trên dưới một triệu đảng viên, Đảng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng ghi tiếp chiến công vào trang sử hào hùng của dân tộc, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc; giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH. Với tư duy đột phá, Đảng kiên quyết phát động công cuộc đổi mới toàn diện, 2 triệu đảng viên cùng với toàn dân đã làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên, thán phục. Sự thay đổi đi lên của đất nước thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, suy cho cùng đó là phẩm chất, năng lực, phong cách, sự tận tụy cống hiến hy sinh của đội ngũ đảng viên. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”.
Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội lớn cùng những thách thức không hề nhỏ trên con đường: Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện tại, Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên – số lượng lớn nhất trong lịch sử 89 năm tồn tại và phát triển của Đảng. Đội ngũ đảng viên cơ bản vẫn đảm bảo năng lực, sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng vấn đề còn băn khoăn, lo lắng nhất vẫn là: Chất lượng đảng viên đang có chiều hướng giảm sút, “đảng viên đông nhưng chưa mạnh”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ quan điểm về phương châm nâng cao chất lượng đảng viên “Thà ít mà tốt, còn hơn đông mà không mạnh”. Chất lượng đảng viên lệ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết chịu tác động trực tiếp từ hệ quả của công tác phát triển đảng. Kết nạp đảng viên là đầu vào, khởi đầu quyết định chất lượng đội ngũ đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn: Hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng lệ thuộc vào chất lượng đảng viên “Đảng là gồm các đảng viên tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Thấm nhuần quan điểm đó, Đảng luôn chỉ đạo phương châm kết nạp Đảng là coi trọng chất lượng, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Nhưng ở một số tổ chức đảng chất lượng kết nạp đảng viên còn thấp; vẫn còn hiện tượng chạy theo số lượng đơn thuần, chạy theo chỉ tiêu được giao và chạy theo thành tích mà bỏ qua tiêu chuẩn quy định. Có nơi quá cứng nhắc, khắt khe, xem xét quần chúng kết nạp Đảng quá “tròn trịa” nên nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Nhưng cũng không ít nơi quá nôn nóng mà bỏ qua quy trình, quy định của Đảng… Để rồi, một bộ phận vào Đảng không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, không những không phát huy được vai trò người đảng viên, mà còn trở thành những con “mọt dân”, làm tổn hại uy tính, danh dự của Đảng.
Chất lượng đảng viên còn lệ thuộc vào công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đảng viên. Từ sau Đại hội XII của Đảng, việc loại bỏ những người không đủ phẩm chất đảng viên ra khỏi Đảng thực hiện mạnh tay, quyết liệt, tạo tín hiệu đáng mừng, gây dựng được niềm tin trong Đảng, trong dân. Nhưng bên cạnh đa số đảng viên kiên trung thì trong Đảng hiện vẫn tồn tại một bộ phận không xứng đáng với danh hiệu đảng viên: Một bộ phận đảng viên suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lên mặt “làm quan cách mạng” chưa bị xử lý thích đáng; vẫn còn nhiều đảng viên tham nhũng, tham nhũng vặt chưa bị phát hiện; một số đảng viên thiếu gương mẫu, tiên phong, nói nhiều, làm ít, thậm chí nói mà không làm; một số “an phận thủ thường, mũ ni che tai”, “mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”; một số thuộc dạng đảng viên “hữu danh vô thực”, trung bình chủ nghĩa, được chăng hay chớ; một số vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, quy định của Đảng; một số đảng viên có nhiều biểu hiện không còn thiết tha với Đảng…Những “con sâu” đang “làm rầu nồi canh”, nhưng rất tiếc chưa bị loại trừ hết, tiếp tục gây ra tình trạng bất thường: Đội ngũ đảng viên “đông nhưng không mạnh”.
Đại hội XII của Đảng chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên”; Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII cụ thể hóa bằng Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Cuối năm 2018, Ban Bí thư TW Đảng đã dự thảo Chỉ thị “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”… Nâng cao chất lượng đảng viên trở thành nhiệm vụ chính trị trong công tác xây dựng Đảng và đó thực chất là nhiệm vụ mang tính cấp bách trong chỉnh đốn Đảng hiện nay. Bước sang năm 2019, trong xây dựng Đảng phải xiết chặt công tác phát triển đảng viên; kiên quyết đưa hết những người không đủ tư cách, điều kiện ra khỏi Đảng; cần thấm nhuần sâu sắc và hành động quyết liệt nâng cao chất lượng đảng viên theo phương châm: “Thà ít mà tốt, còn hơn đông mà không mạnh”. Có vậy, đảng viên mới thật sự xứng đáng là chiến sĩ cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; đưa năng lực và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ lịch sử giao phó.
NGUYỄN QUANG PHI