Đúng 18h30 ngày hôm qua 27-2, những cái bắt tay đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tối cao của Mỹ - Triều Tiên đã diễn ra tại Hà Nội, sau chuyến hành trình dài đến Việt Nam bằng những phương tiện khác nhau của 2 vị nguyên thủ quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau - cái bắt tay lịch sử tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Sau đó, cả hai bước vào cuộc gặp riêng 20 phút. Tiếp đến, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donal Trump đã dùng bữa tối thân mật tại khách sạn Sofitel Legend Metropolei.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức diễn ra trong ngày 28-2.
Các chuyên gia nhận định, cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hai ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo những kết quả thực chất và cụ thể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như hai bên có thể ra một tuyên bố chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Nếu cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái giữa hai nhà lãnh đạo với bản Tuyên bố chung Singapore được đánh giá là mang tính biểu tượng với vai trò “phá băng” mối quan hệ đối đầu Mỹ-Triều Tiên suốt hơn nửa thế kỷ và đặt nền móng để kiến tạo một tương lai hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, thì lần tiếp xúc trực tiếp thứ hai tại Hà Nội sẽ là cơ hội để cụ thể hóa và thúc đẩy thực hiện những cam kết.
Trong 8 tháng qua, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã thực hiện một số bước đi, tạo đà cho nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn dai dẳng nhiều thập niên. Một số điểm cam kết trong Tuyên bố chung ngày 12-6-2018 đã được xúc tiến thực hiện, như việc tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA).
Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh ở Singapore diễn ra, Triều Tiên đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế. Đến tháng 7-2018, hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo gỡ một số cơ sở ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae. Quan trọng nhất, Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ một vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào, điều thể hiện rõ thiện chí của Bình Nhưỡng.
Về phía Mỹ, ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp lại bằng tuyên bố hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từ trước đến nay luôn bị Bình Nhưỡng chỉ trích là nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội rõ ràng đang tạo một lực đẩy mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong ngày 28-2, dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục đàm phán dựa trên 4 trụ cột đã được nêu trong Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, đó là thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiêu; phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; tìm lại hài cốt những quân nhân Mỹ đã tử trận và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.