40 năm qua, dẫu lịch sử đã sang trang, sự tàn khốc và uất hận của cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi năm đến tháng 2, quá khứ bi thương nhưng hùng tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta lại ùa về.
Nơi trận chiến Vị Xuyên 40 năm trước, giờ là rừng núi bạt ngàn cây xanh. Ảnh: THÀNH GIÁC
|
HƠN CẢ LỜI HIỆU TRIỆU
Rạng sáng 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc tràn xuống nhiều tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên), thực hiện cuộc chiến tranh mà Bắc Kinh khi đó gọi là “dằn mặt có báo trước”…
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 18-2-1979, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc, trong đó kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trên chiến trường biên ải, ngày 20-2-1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên - khi đó đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã viết rất nhanh ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do. Bài hát như một lời hiệu triệu vang vọng với những ca từ hào hùng “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới... Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương”. Điệp khúc “gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới” không chỉ thôi thúc triệu trái tim người dân Việt Nam lúc đó, mà còn là lời kêu gọi, giục giã thanh niên đất Việt lên đường chiến đấu.
Có lẽ, những ai sinh ra ở thập niên 40,50 60 và đầu 70 của thế kỷ 20 không ai không thuộc ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Cho đến bây giờ, sau 40 năm những ca từ “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca” vẫn in đậm trong tâm khảm của nhiều người.
GÁC BÚT NGHIÊN LÊN ĐƯỜNG RA TRẬN
Ngay sau khi ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” lan tỏa khắp Tổ quốc, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên Việt Nam xung phong lên biên giới phía Bắc chiến đấu, hàng ngàn sinh viên “gác bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm ông bố, bà mẹ nơi ruộng vườn lặng lẽ tiễn con đi.
Không thể xúc động nào hơn một bà mẹ ở Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An) viết thư gửi Ban chỉ huy Tỉnh đội Lạng Sơn, cho con mình ra biên giới. Người mẹ ấy là Phạm Thị Thảo, bà viết lá thư bằng thơ đầy tâm huyết: “Tính đến nay đã bốn trăng rồi/ Lòng xao xuyến bồi hồi không yên dạ/ Ngày đơn vị chuyển quân đi xa quá/ Toàn anh em, đồng đội, cả chỉ huy/ Đường hành quân đành phải ra đi/ Tới Cao Lạng tức thì chiến đấu/ Tuấn con tôi tuổi còn thơ ấu/ Xa gia đình trả nợ máu cho cha...”.
Người con của bà Thảo là Văn Đức Tuấn. Năm 18 tuổi, anh nhập ngũ huấn luyện tân binh ở Nghi Lâm, Nghệ Tĩnh. Khi sự kiện biên giới phía Bắc nổ ra, bà Thảo động viên con lên đường ra biên ải chiến đấu đồng thời viết lá thư đặc biệt bằng thơ gửi Đại đội 5 Ban chỉ huy Tỉnh đội Lạng Sơn lúc đấy để con mình được ra trận chiến đấu.
BÀI CA KHÔNG QUÊN
40 năm - một khoảng thời gian khá dài để thay đổi mọi thứ. Vết bụi thời gian đã đưa cuộc chiến vào dĩ vãng, nhưng lịch sử mãi mãi không quên những ngày đau thương ấy. Hàng vạn chiến sĩ đổ máu trên chiến trường dọc biên giới Vị Xuyên, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên để bảo vệ tổ quốc.
40 năm sau, những trận địa pháo, điểm cao ngày ấy giờ là đồi cọ, nương ngô xanh mướt. Song dưới tầng đất đá vẫn còn xương cốt của bộ đội và người dân. Sự hy sinh anh dũng bi tráng 40 năm trước, là bản hùng ca sáng mãi trong lòng người Việt về bài học chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
MAI THẮNG