Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không chấp nhận mức nhập siêu trở lại

Thứ Năm, 17/01/2019, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công thương. Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công thương. Ảnh: QUANG HIẾU

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Nhiều mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD; 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực FDI. 

Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng biểu dương Bộ Công thương trong vòng 3 ngày đã có 1 chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng không đồng tình với mục tiêu Bộ đề ra là nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) so với kim ngạch nhập khẩu, “là mức nhập siêu không thể chấp nhận, vì năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu”. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hàng hóa bán lẻ doanh thu dịch vụ phải tăng cao 12, 13%; bảo đảm cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện tăng trên 10% so với năm 2018 và nhắc lại lời cảnh báo “cán bộ để mất điện thì sẽ mất chức”.

Ngoài các giải pháp nêu trong Nghị quyết 01, 02, Thủ tướng nêu rõ giải pháp quan trọng với ngành Công thương là khoa học công nghệ, đặc biệt là kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Đổi mới công tác triển khai, lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công thương, để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin-cho, chậm trễ. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công thương một cách thực chất, chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt. Bộ Công thương cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, mau lẹ, kịp thời hơn. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành Công thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. 

ĐỨC TUÂN

;
.