Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của biển
Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Bác Hồ là người sớm nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác luôn đặt nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ nền độc lập dân tộc nói chung và nhiệm vụ giữ biển đảo của Tổ quốc nói riêng là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.
Ngư dân huyện Côn Đảo chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho một chuyến ra khơi đánh bắt hải sản tại cảng Bến Đầm. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Ngay sau ngày miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc phát triển kinh tế miền biển. Ngày 4-10-1956, khi đến thăm và nói chuyện với hội nghị cải cách miền biển, Bác Hồ đã nêu rõ việc cải cách để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân miền biển là rất quan trọng. Người nói “trong công việc này phải dựa vào chính lực lượng của nhân dân”. Hơn ai hết, Bác hiểu rõ vị trí chiến lược của biển nước ta với chiều dài 3.260km từ Móng Cái tới Hà Tiên đã bao lần bị giặc ngoại xâm tràn vào từ biển. Vì vậy, ngay tại hội nghị này Người đã chỉ rõ: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Nếu mình không lo bảo vệ miền biển thì đánh cá, làm muối cũng không yên… cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Khẳng định biển đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Bác nói: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, muốn giữ nước phải giữ được biển.
Tháng 1-1959, Cục Hải quân - tiền thân của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam - lực lượng trụ cột canh giữ, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và các hải đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam được thành lập. Ngày 30-3-1959, chỉ 2 tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Sự kiện này được ghi rất chi tiết trong các sách “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam” và sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”.
Tháng 3-1961, Bác Hồ lại đến thăm bộ đội Hải quân. Lần này Bác quan tâm nhiều về tình hình xây dựng lực lượng, tình hình bảo vệ biển đảo, nhất là các đảo xa. Bác rất vui khi được báo cáo về sự trưởng thành của Hải quân nhưng cũng thấy được sự thiếu thốn về tàu bè, trang bị, vũ khí của ta và nhắc nhở phải tiếp tục xây dựng, bổ sung trang bị. Bác cũng đi thăm các đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc. Khi tàu đưa Bác rẽ sóng Bạch Đằng, ngắm nhìn mây trời, Bác xúc động nói: “Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình, bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên…”.
Khi thuyền đưa Bác vào thăm hang Đầu Gỗ - nơi xưa Trần Hưng Đạo đã dùng làm căn cứ hậu cần làm cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên Mông, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”, lời của Bác thấm đượm niềm tự hào về các thế hệ ông cha cũng đã dựa vào biển để sinh sống và giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.
Ngày 9-5-1961 Bác về thăm đảo Cô Tô ở tỉnh Quảng Ninh. Nói chuyện với nhân dân trên đảo Bác rất vui, Người nói: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Một việc rất đặc biệt là đảo Cô Tô là địa danh đã được Bác đồng ý cho dựng tượng Bác khi Người còn sống. Cô Tô là đảo duy nhất trong toàn quốc đã được vinh hạnh đó.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển lực lượng hải quân, kịp thời khen ngợi những thành tích chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Ngày 5-8-1965, Bác đã gửi thư khen ngợi thành tích của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Và năm 1968 chúng ta vẫn còn giữ được bản thảo thư Bác gửi khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.
Nhìn vào lịch sử, trải nghiệm qua thực tế, biển đảo nước ta đã trở thành vấn đề chiến lược của đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Đó cũng chính là mong muốn của Bác Hồ.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG