Người cán bộ phải gần gũi nhân dân
Thật may mắn cho dân tộc ta, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tràn đầy và tỏa sáng sự tôn trọng nhân dân. Và vì vậy, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm lịch sử, Người luôn sống trong dân, gắn bó mật thiết với dân. Cuộc đời Người ghi đậm dấu ấn cao thượng nhưng rất gần gũi, ấm áp trong lòng dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gần dân không chỉ trong tư tưởng, mà gần dân trong cả cuộc sống cũng như hoạt động hàng ngày. Gần dân đã trở thành nhu cầu tự nhiên, không thể thiếu trong đời sống của Người. Hình ảnh ông Ké, Già Thu lặn lội khắp Việt Bắc về với dân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp; hình ảnh vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng in dấu chân khắp mọi miền trong kháng chiến chống Mỹ và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc vẫn hằn sâu trong tâm trí của mọi người.
Người “vi hành” đến cơ sở, địa phương, về thăm nhân dân, trung bình 70 lần một năm - mật độ dày đặc của người đứng đầu đất nước như thế thì quả là ít ai có thể tưởng tượng được! Thật hiếm có lãnh tụ nào bình dị như Người. Về với dân, với cơ sở, địa phương, Người ít khi báo trước, đi thăm nhân dân không ồn ào, không “trống dong, cờ mở”, không hàng rào danh dự, không đoàn xe hộ tống. Người đi như thế để thấy cảnh thật, người thật, việc thật chứ không phải để xem cảnh đón tiếp và “không để cho những kẻ vu vơ bao vây”.
Từ những thông tin chính xác, Người cùng Trung ương Đảng kịp thời giải quyết, tháo gỡ những mâu thuẫn, bức xúc khi còn phôi thai để không xảy ra những điểm nóng trong dân và đề ra những quyết sách “hợp lòng dân”. Người theo sát tình hình nhân dân thông qua đọc báo hàng ngày. Việc làm trở thành thói quen của Người, những thông tin quan trọng qua những trang báo Đảng, Người lấy bút chì đỏ khoanh tròn và giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét rồi báo cáo lại để Người biết.
Người gần dân thông qua “tiếp dân”. Ngày 3-9-1945, chỉ sau một ngày Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người thông báo lịch tiếp dân “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể”. Người là lãnh tụ của dân, khi dân có nhu cầu, Người vui lòng tiếp mà không giới hạn bất cứ đoàn thể nào. Đoàn thể muốn gặp, xin “gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi cho mất công”. Người gần dân, sống trong lòng dân, luôn hiểu dân và nhân dân luôn sống bên Người, ủng hộ, đi theo, nghe theo, tin tưởng đồng hành theo tiếng gọi của Người.
Gần gũi, gắn bó với dân, không chỉ là tôn trọng dân, mà còn là đạo đức của người cách mạng, là tư cách, bổn phận của cán bộ, đảng viên: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng” và dù “một giây, một phút cũng không hề giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng”. Sự thắng lợi của cách mạng, theo Người được xây “trên nền nhân dân”, trong đó sự gần gũi, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân thì “Dân mới tin cậy cán bộ, nhận cán bộ là người lãnh đạo mình” và “đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó Đảng thắng lợi”.
Người dặn: Cán bộ, đảng viên “Phải kính yêu dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai, phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng”. Gần quần chúng, hiểu quần chúng, đau với nỗi đau của quần chúng, chia bùi, sẻ ngọt với quần chúng sẽ được lòng quần chúng, điều đó vô cùng quan trọng: “Lực lượng cách mạng là lòng dân, có lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất tất cả”. Người dạy: “Chúng ta phải ghi tạc chân lý vào đầu: Dân rất tốt” và vì vậy “Mỗi công việc của Đảng… phải liên hệ chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng”, rằng “Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”.
Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân là thước đo phẩm chất đạo đức và hiệu quả trách nhiệm nêu gương của những “công bộc”, “đầy tớ” của dân. Nhớ lại những đêm Giao thừa, đi thăm những gia đình “Tết mà không có tết, tết nghèo, tết vừa, tết khá, tết sang, Người nói nếu cứ ngồi nghe báo cáo thì ở đâu cũng ấm no, vui tươi cả” và cảnh báo: “Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu thật sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”!
Nhớ lại năm 1950, khi học viên lớp đào tạo cán bộ tư pháp hỏi: Thưa Bác, làm thế nào để tư pháp gần dân?”, Người trả lời hài hước, nhưng độc đáo, thấm thía, sâu sắc và cho cán bộ, đảng viên hôm nay phải suy nghĩ, tự soi, tự chỉnh, tự sửa bản thân mình: “Muốn gần dân thì đừng xa dân”!
NGUYỄN QUANG PHI