.

Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng

Cập nhật: 19:44, 22/01/2019 (GMT+7)

Gần 90 năm đã qua, kể từ ngày thành lập Đảng, trong tiến trình lịch sử xây dựng, phát triển và trưởng thành, mỗi quyết định sáng suốt của Đảng đều có tác động tích cực đến niềm tin của nhân dân. Từ niềm tin đó, nhân dân đồng lòng sát cánh với Đảng trên con đường hướng tới những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Đảng ta đã và đang thể hiện tinh thần của “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” như Bác Hồ mong muốn và nhân dân ta luôn vững lòng tin vào Đảng.

Đường Võ Nguyên Giáp, TP. Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH HUY
Đường Võ Nguyên Giáp, TP. Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH HUY

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cho dân tin, muốn được lòng dân thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Tóm lại, muốn được dân tin yêu, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Sức mạnh và uy tín của Đảng là ở lòng tin của dân. Bác Hồ dạy: “Có dân là có tất cả, mất lòng tin của dân là mất hết. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Vì vậy, Đảng và đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân thì mới làm được lãnh đạo”.

Tư duy bao trùm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “muốn được dân tin yêu để xây dựng Đảng vững chắc là một luận điểm sáng tạo của Người”. Bác nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Tuy nhiên, xây dựng Đảng là phải sáng tạo không ngừng. Sức mạnh và uy tín của Đảng được đo bằng lòng tin của người  dân. Mặt khác, Đảng ta cũng rất tự hào vì có lực lượng quần chúng đông đảo, một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với dân tộc.

Trong bối cảnh hiện đại, để củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Trung ương đã sớm ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã hợp ý Đảng lòng dân. Bác Hồ dạy: “Một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng…”. Do đó, ngày nay chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề cần kíp nhất như sau: 

Tập trung tâm huyết; trí tuệ toàn Đảng, toàn dân để xây dựng, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Bất kỳ một chính Đảng nào cũng phải đặt ra mục tiêu giành được lòng tin chính trị của nhân dân. Đảng ta cũng vậy.

Thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là khâu trọng yếu, là niềm tin của dân đối với Đảng. Các cấp ủy Đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước.

Các chính sách thực tiễn phải có tác dụng điều tiết sự phân hóa xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cốt lõi là điều tiết hài hòa quan hệ lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích cơ bản của công nhân, nông dân và trí thức, đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng sâu vùng xa…

Các cơ quan, cán bộ của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, nhất là cán bộ chủ chốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Các Đại hội Đảng đã chỉ ra: cán bộ, đảng viên “quan liêu, tham nhũng là biểu hiện của sự xa dân, làm mất niềm tin của nhân dân” và cảnh báo “xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”…

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG

.
.
.