XÂY DỰNG ĐẢNG

Trách nhiệm trước lá phiếu tín nhiệm

Thứ Hai, 03/12/2018, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối năm, cấp ủy các cấp đều tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo giữ cương vị chủ chốt thuộc thẩm quyền quản lý. Đây là việc làm có tính chất định kỳ, nhưng lại là công việc vô cùng quan trọng, thu hút sự chú ý cả trong Đảng, lẫn trong dân.

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm để giới thiệu nhân sự bầu bổ sung Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp  hành Đảng bộ tỉnh, tổ chức ngày 10-4-2018. Ảnh: THÀNH HUY
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm để giới thiệu nhân sự bầu bổ sung Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tổ chức ngày 10-4-2018. Ảnh: THÀNH HUY

Lá phiếu tín nhiệm mà qua đó để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với cán bộ do chính cấp mình bầu hoặc phê chuẩn, đây là một trong những căn cứ cơ bản để xem xét, đánh giá cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm, thực chất là: Nhiều người cùng “chấm điểm” một người. Cùng nhìn nhận, đánh giá từng cán bộ trong khoảng thời gian nhất định trên cương vị được đảm nhiệm về thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân, đánh giá tính tiên phong, gương mẫu; kết quả thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Qua đó, để thấy phẩm chất, năng lực, lối sống của từng cán bộ giữ chức vụ chủ chốt trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể ở từng cấp ra sao; Sự tín nhiệm của tập thể đối với họ ở mức nào; Từng cán bộ có những ưu điểm gì cần tiếp tục phát huy; Khuyết điểm, hạn chế gì để tập trung khắc phục, sửa chữa…

Yêu cầu cao nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm là độ chính xác. Bởi sau lá phiếu tín nhiệm là sinh mệnh chính trị của từng cán bộ, là lòng tin của cán bộ, đảng viên với nhau và là niềm tin của nhân dân. Kết quả từ việc bỏ phiếu tín nhiệm là cơ sở để cấp có thẩm quyền xây dựng quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ sát thực và có hiệu quả nhất. Nhưng trong thực tế vẫn còn những câu chuyện buồn, bởi nhiều lá phiếu đã làm sai lệch kết quả tín nhiệm đáng tiếc. Đã xảy ra không ít trường hợp cán bộ tốt, cán bộ chưa tốt, thậm chí không tốt đôi khi kết quả bị đảo ngược. Có cán bộ chủ chốt được tín nhiệm rất cao nhưng ngay sau đó lại phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Có cán bộ được đề bạt lên chức, lên cấp, nhưng bị hủy quyết định vì có vấn đề, dù rằng trước đó đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm rất cao. Có không ít người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị các cấp hôm trước được khen thưởng, hôm sau bị kỷ luật, mà trước đó đạt phiếu tín nhiệm ở mức cao nhất. Và không ít trường hợp cán bộ tốt lại bị “oan”,  vì nhận được kết quả tỷ lệ phiếu tín nhiệm rất thấp…

Sai lệch kết quả của lá phiếu tín nhiệm cũng có thể xuất phát từ người cầm lá phiếu bàng quan, cảm tính, ý thức trách nhiệm thấp, bỏ phiếu theo lối cho xong chuyện. Cũng có trường hợp “ưa nhau” hoặc không “ưa nhau”, ganh tỵ, kèn cựa lẫn nhau. Không ít trường hợp chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, lợi ích nhóm chi phối rồi bỏ qua những khuyết điểm, lỗi lầm của nhau, thậm chí xu nịnh nhau. Và cũng có nơi, có lúc thiếu dân chủ, minh bạch, bỏ phiếu tín nhiệm khi chưa cung cấp đầy đủ thông tin về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm...

Lấy phiếu tín nhiệm rất nhạy cảm, đồng thời gây không ít áp lực cho cả người đánh giá và người được đánh giá. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực chất hay không lại lệ thuộc trước hết và trên hết là ở người cầm lá phiếu đánh giá. Nhằm khắc phục những hạn chế và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết những người có thẩm quyền đánh giá tín nhiệm phải được cung cấp đầy đủ thông tin về những cán bộ chủ chốt được lấy phiếu tín nhiệm. Thông tin về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm phải thông qua nhiều kênh: Thứ nhất, Người được lấy phiếu tín nhiệm phải trung thực tự kiểm điểm, thấy hết những ưu điểm, dũng cảm nhận hết những hạn chế, yếu kém, thiếu sót của mình, báo cáo đầy đủ với tổ chức. Các cơ quan chức năng cung cấp thêm những thông tin cần thiết về đối tượng được lấy tín nhiệm. Bản thân những người có thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm, nghiên cứu kỹ báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, cần thiết yêu cầu được bổ sung, giải thích thêm và phải tự tìm hiểu thông tin liên quan đến tất cả những cán bộ được lấy tín nhiệm. Thông tin càng đầy đủ sẽ là cơ sở đầu tiên để có thể thực hiện và cho kết quả chính xác về lấy phiếu tín nhiệm. Thứ hai, người được cầm lá phiếu để đánh giá người khác cần nhận thức rằng, lá phiếu tuy vô tri, vô giác, nhưng kết quả đó lại là sự ghi nhận nỗ lực của từng cán bộ trên cương vị chủ chốt được giao. Đằng sau lá phiếu là danh dự và tiền đồ của cán bộ được đánh giá, do vậy phải gạt bỏ mọi riêng tư, cần xác định lợi ích của tập thể, đất nước lên trên hết. Trung thực, khách quan, công tâm, dũng cảm bỏ lá phiếu bằng lý trí chứ không phải bằng cảm tính để phản ánh mức độ đúng nhất đối với từng cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm, dù đó là ai, hay giữ cương vị gì. Thứ ba, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm phải đúng quy trình, dân chủ, minh bạch, công bằng và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện vận động hành lang, tranh thủ phiếu bầu không trong sáng hoặc tác động để làm sai lệch kết quả về mức độ tín nhiệm. Nên chăng cần nghiên cứu để có cơ chế kiểm soát, ràng buộc quyền lực đối với cán bộ có thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu người có thẩm quyền bỏ phiếu thiếu trách nhiệm gây hậu quả trong công tác cán bộ thì phải bị xem xét trách nhiệm cá nhân trước Đảng, trước dân. Thứ tư, điều quan trọng sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, những người được lấy phiếu tín nhiệm cần hiểu rằng đây là đợt “sát hạch” cần thiết, bổ ích để bản thân tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh mình.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.