Sáng 17-12, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” và phổ biến nội dung “Bộ công cụ tự đánh giá Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững” bằng tiếng Việt tại thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
|
Phát biểu khai mạc, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập, thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong những nỗ lực đó, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao việc IPU và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng hình thành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các SDG cho các nghị viện nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.
Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và hoàn thiện các thiết chế quản trị nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó với biến đổi khí hậu; các chính sách, phương án đầu tư cho y tế địa phương… để đảm bảo phát triển bền vững.
Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ thường xuyên giám sát và lồng ghép vào thực hiện cũng như giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong báo cáo kinh tế -xã hội hằng năm.
Được biết, Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” gồm 4 phiên thảo luận, kéo dài đến ngày 18-12.
HOÀNG HOA