Ngày 18-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: TRÍ DŨNG) |
Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2018, Ban Bí thư đã cử 5 đoàn kiểm tra tại 15 cấp ủy và tổ chức Đảng về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn cho thấy, sau một năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã thí điểm thực hiện một số mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ kiêm nhiệm chức danh; sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được nhiều đơn vị trung gian, bước đầu khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý…
Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện nghị quyết và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức.
Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đã được quy hoạch, hướng tới tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xã hội hóa cung ứng dịch vụ công đã có tác dụng tích cực…
Tuy vậy, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quyết liệt; Kết quả tinh giản biên chế về tổng thể chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, việc giảm số lượng cấp phó triển khai còn chậm.
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tinh gọn bộ máy, biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, nên phải có thời gian để thực hiện. Việc kiểm tra bước đầu có tính chất thúc đẩy công việc, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt, cho một số kết quả cụ thể, qua đó phát hiện một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, uốn nắn để làm tốt hơn. Thực tế đã bộc lộ hai khuynh hướng: Cầu toàn và nóng vội; cần tránh hai khuynh hướng này trong quá trình chỉ đạo thực hiện, phải làm chắc chắn, bài bản, hiệu quả cụ thể.
HUY ĐANG