Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2018 nhằm đưa ra giải pháp cho năm 2019. Các vấn đề về rác thải y tế, giảm nghèo, cải cách giáo dục, dự án treo và xử lý ô nhiễm môi trường... đã được đề cập và thảo luận sôi nổi.
Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: QUANG VŨ |
GIẢM NGHÈO, RÁC THẢI Y TẾ LÀM “NÓNG” NGHỊ TRƯỜNG
Thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, hiện nay công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: Việc triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được thực hiện; Việc sử dụng vốn vay của một số hộ nghèo còn thiếu hiệu quả, thậm chí không đúng mục đích. Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn gặp khó khăn do người nghèo không có đất ở hợp pháp hoặc có đất nằm trong vùng quy hoạch trong khi đó, quỹ nhà ở xã hội cho người nghèo chưa được đầu tư. Đến nay, BR-VT chưa thành lập được Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cán bộ giảm nghèo kiêm nhiệm, nhân sự thường xuyên biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác giảm nghèo.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết thêm, hiện chỉ có huyện Long Điền là bố trí được quỹ đất để hỗ trợ nhà cho người nghèo, các địa phương khác gần như chưa thực hiện được.
Đề án dạy tiếng Anh cho người dân huyện Côn Đảo đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong ảnh: Nhân viên Six senses Côn Đảo phục vụ bữa sáng cho du khách nước ngoài. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Vấn đề xử lý rác thải y tế được khá nhiều đại biểu quan tâm, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 979 cơ sở y tế (trong đó có 109 cơ sở công lập, còn lại là tư nhân). Đến nay 100% cơ sở y tế tư nhân có hợp đồng vận chuyển xử lý rác thải với các công ty. Với các cơ sở y tế công lập, 13 cơ sở đã có lò đốt, được đầu tư từ năm 2005 đến năm 2015 nhưng hiện chỉ còn 6 cơ sở có lò đốt hoạt động. Các lò đốt này, có thời điểm đốt không hết chất thải theo đúng tiêu chuẩn quốc gia, khí thải cũng không đạt tiêu chuẩn. Với rác thải y tế, quá trình thu gom, phân loại, xử lý được thực hiện theo đúng quy định. Mỗi ngày, trong lĩnh vực y tế, khối lượng chất thải rắn nguy hại khoảng 650 kg, chất thải y tế thông thường khoảng 3.000 kg. Ngành y tế đã ký hợp đồng với Công ty công trình đô thị đưa rác thải y tế thông thường qua rác sinh hoạt để xử lý. Còn rác nguy hại chưa có nơi xử lý nên các cơ sở y tế phải đầu tư lò đốt rác. Những cơ sở không có lò đốt thì phải ký hợp đồng vận chuyển về các đơn vị còn khả năng xử lý do tỉnh chưa có cơ sở xử lý rác thải tập trung.
Bổ sung thêm về nội dung xử lý chất thải y tế, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Sở TN-MT đã chủ trì kiểm tra 9 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, có hiện tượng quá tải trong xử lý rác thải y tế, các lò đốt của các bệnh viện, trung tâm y tế hiện chỉ còn BV Lê Lợi, BV Bà Rịa, TTYT huyện Xuyên Mộc hoạt động, việc phân loại, xử lý còn nhiều tồn tại. Sở TN-MT đề nghị quán triệt đơn vị vận chuyển rác y tế tập trung về Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) trước khi Công ty CP SARA Vũng Tàu đầu tư cơ sở xử lý rác bằng công nghệ đốt trên cùng địa bàn.
TIẾP TỤC DUY TRÌ ĐỀ ÁN PHỔ CẬP TIẾNG ANH Ở CÔN ĐẢO
Tại kỳ họp, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan tới lĩnh vực giáo dục. Đại biểu Nguyễn Bình Minh cho rằng, việc triển khai quá nhiều đề án, chương trình thí điểm khiến người dân lo ngại. Nhiều đề án thí điểm nhưng không đạt hiệu quả mong muốn, đơn cử như Đề án dạy Tiếng Anh cho người dân trên địa bàn huyện Côn Đảo. Với đề án này, Sở GD-ĐT đề xuất phương án giải quyết, trong đó có phương án bỏ đề án. Trong khi tâm tư, nguyện vọng của người dân Côn Đảo vẫn muốn duy trì đề án nhưng thực hiện một cách hiệu quả hơn. Do đó, đề nghị ngành giáo dục cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu, nguồn lực, giải pháp để triển khai có hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Bình Minh, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định ngành giáo dục sẽ thận trọng hơn nữa khi triển khai các chương trình thí điểm. Riêng Đề án dạy tiếng Anh cho người dân trên địa bàn huyện Côn Đảo bước đầu đã đạt được những kết quả, người học có kiến thức căn bản, tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh, đạt mục tiêu đặt ra trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn nâng cao, người học bị “đuối”, cán bộ công chức không theo học thường xuyên được do yêu cầu công tác. UBND huyện Côn Đảo và Sở GD-ĐT nhất trí đề xuất cho mở rộng đối tượng, đưa HS phổ thông vào thụ hưởng đề án.
Không đồng tình với đề xuất trên của ông Nguyễn Thanh Giang, đại biểu Trần Đình Khoa khẳng định, không thể đưa HS phổ thông vào đề án bởi không đúng với đối tượng mà đề án đặt ra. Đại biểu Trần Đình Khoa nhấn mạnh, khi triển khai các đề án, chương trình thí điểm, ngành giáo dục và các sở, ngành, địa phương có liên quan cần chuẩn bị những điều kiện mang tính khả thi cao nhất (đạt khoảng 70-80%), không thể thực hiện theo ý kiến chủ quan.
Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, không dừng Đề án dạy tiếng Anh cho người dân Côn Đảo mà ngành chức năng và địa phương phải đề xuất cách làm mới, thay đổi cách giảng dạy, học tập để kiên trì mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho công chức, người dân Côn Đảo. Riêng đối tượng HS không thể gộp chung vì đã có đề án riêng.
LÀM RÕ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO DOANH NHÂN, CHẬM TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN
Đại biểu Lê Đình Thắng bày tỏ ý kiến, qua các đợt tiếp xúc cử tri và tiếp xúc các DN, rất nhiều ý kiến thắc mắc, chương trình hỗ trợ kinh phí đào tạo 1.000 doanh nhân được triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nhân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ chương trình này. Dẫn đến hệ quả là người dân và DN hoài nghi về chính sách hỗ trợ của tỉnh. Theo ông Thắng, nên chăng, chương trình hỗ trợ kinh phí đào tạo 1.000 doanh nhân này nên chuyển về cho các Hiệp hội như: Hiệp hội DNNVV, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh nhân trẻ… để tránh làm mất thời gian của các sở, ngành. Khi chuyển về cho các Hiệp hội, chương trình đào tạo sẽ sát được với thực tế hơn, vì hơn ai hết các Hiệp hội sẽ bám sát các DN, biết DN cần gì.
Giải thích về vấn đề này, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định: Giai đoạn 2017-2020 tỉnh tổ chức 42 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 1.380 lượt học viên tham gia, tổng kinh phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ 7,6 tỷ đồng. Trong 2 năm 2017- 2018, tỉnh tổ chức được 13 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 600 doanh nhân trong tỉnh. Tổng kinh phí của các lớp đào tạo là hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% với gần 1,3 tỷ đồng. Hiện các đơn vị đã tổ chức được 9/13 lớp. Còn lại 4 lớp đào tạo về khởi sự DN, Quản trị DN chuyên sâu trong lĩnh vực du lịch, Quản trị DN chuyên sâu về ứng dụng mô hình nông sản công nghệ cao, dự kiến các đơn vị sẽ hoàn thành tổ chức trong tháng 12-2018. Ông Hải cũng nhấn mạnh, nguồn đào tạo này không thể chuyển về các Hiệp hội, vì các Hiệp hội không được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để chương trình đào tạo doanh nhân đạt hiệu quả, tỉnh mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các Hiệp hội để tổ chức các lớp đào tạo cho phù hợp.
Về tình trạng xây dựng vi phạm quy hoạch vẫn còn diễn ra phổ biến tại các địa phương mà đại biểu Trần Phúc Chỉnh nêu ra tại hội nghị, ông Tạ Quốc Trung, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra hoạt động xây dựng trái tại các địa phương, nhất là khu vực đô thị. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra phổ biến tại một số địa phương. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, Sở nhận thấy có một số bất cập như: Nhân lực để nhiệm vụ việc này ở các địa phương rất mỏng, Đội quản lý trật tự đô thị tập trung chủ yếu ở 2 thành phố là Vũng Tàu, Bà Rịa và TX.Phú Mỹ. 5 địa bàn còn lại hầu như dồn về cấp xã: công chức địa chính – xây dựng. Do vậy, việc phát hiện và xử lý tình trạng xây dựng trái phép chưa kịp thời. Để hạn chế được tình trạng này, trong thời gian tới Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường, phối hợp với các địa phương để kiểm tra, xử lý.
Liên quan đến vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai mà đại biểu Trần Phúc Chỉnh đề cập, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, trong năm 2018, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động 27 dự án đầu tư, trong số này có 5 dự án đầu tư nước ngoài và 22 dự án đầu tư trong nước. Như vậy, chỉ tính từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện chấm dứt hoạt động 138 dự án đầu tư chậm triển khai, trong đó có 34 dự án trong KCN; 52 dự án nhà ở, khu đô thị và 52 dự án ngoài KCN. Ngoài ra, UBND tỉnh đã cho phép giãn tiến độ đầu tư 67 dự án để nhà đầu tư tiếp tục triển khai và đưa dự án vào hoạt động, gồm 13 dự án trong KCN, 10 dự án nhà ở và 44 dự án thuộc lĩnh vực khác ngoài KCN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban điều hành thực hiện phương án xử lý các dự án chậm triển khai, để sắp xếp các dự án phải thu hồi và dự án được giãn tiến độ thực hiện. Ông Hải cho rằng, vấn đề thu hồi dự án chậm triển khai để tái thu hút các dự án mới là một chủ trương lớn của tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng tỉnh vẫn kiên quyết thực hiện để lựa chọn nhà đầu tư khác triển khai dự án mới trên diện tích đất thu hồi của dự án cũ. Sau khi chấm dứt hoạt động dự án, UBND huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan đã rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và nghiên cứu đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng khu vực. Đồng thời hủy bỏ thông báo thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai để người dân thực hiện các quyền của mình theo quy định và thực hiện hủy bỏ các văn bản pháp lý khác của dự án. Qua rà soát, từ nay đến hết quý I-2019, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi 78 dự án chậm triển khai.
* Ngày 14-12, Kỳ họp tiếp tục ngày làm việc thứ 3 với phần chất vấn - trả lời chất vấn và thông qua dự thảo các Nghị quyết tại Kỳ họp; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2019.
NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ