Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự thống nhất trọn vẹn giữa lý luận gắn liền với thực tiễn, lời nói đi đôi việc làm và đã hứa thì dù khó khăn đến mấy cũng thực hiện. Cuộc đời Người là tấm gương điển hình nhất, luôn là ngọn cờ vẫy gọi thúc giục chúng ta phấn đấu vươn tới.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Sở Y tế hướng dẫn tên thuốc và liều uống hàng ngày cho người dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) trong Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Ảnh: MINH NHÂN |
Nêu gương là bản thân phải tự giác gương mẫu, từ việc nhỏ đến việc lớn và đó vừa là trách nhiệm, vừa là giá trị không thể thay thế trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời, mà còn phải tự mình phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong công tác, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi, lời nói đi đôi với làm, lời hứa đi đôi với thực hiện. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Người là: Nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, là miệng nói, mà “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”, đó vừa là đạo lý làm người, vừa là nguyên tắc và là yêu cầu trên hết, trước hết đối với cán bộ, đảng viên.
Nêu gương không phải là những cái gì xa vời, to tát, mà chính là những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể từ những việc nhỏ nhất. Đã là cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đòi hỏi họ phải là những người “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Người dặn: Cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Cái “mực thước” mà Người yêu cầu là trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải rèn luyện, xây dựng cho được phong cách: “Óc nghĩ, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm, chứ không phải ngồi viết mệnh lệnh”, “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà nói người khác chính là vô lý”. Người chiến sĩ cách mạng để thuyết phục được quần chúng nhân dân thì phải nêu gương bằng hành động, bằng việc làm thiết thực, hiệu quả “người thực, việc thực”, chứ không phải lời nói suông, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở. Giữa lời nói và việc làm, Người ưu tiên việc làm, coi trọng hành động hơn: “Miệng nói ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta cần phải kiệm. Nhưng tự mình cần kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Nói đi đôi với làm theo Người đó là thể hiện tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, là thước đo của trách nhiệm nêu gương. Người không bao giờ chấp nhận những cán bộ, đảng viên “tấm gương suông”: Nói không làm, hứa rồi không thực hiện. Người tự đặt câu hỏi, rồi chính Người tự trả lời, nhưng đó là những lời cảnh báo thấm thía, sâu sắc: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”; “Tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa còn làm nổi việc gì?”. Người nghiêm khắc phê bình hiện tượng nói mà không làm: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực thì cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên… Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn mình lại không quan tâm đeo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Thành ra, có nhiều chủ trương không đi vào cuộc sống, không đem lại chuyển biến đáng kể trong thực tế”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh in sâu trong lòng cán bộ, đảng viên, tỏa sáng trong trái tim các tầng lớp nhân dân bởi đó là sự hòa quyện giữa lời nói với việc làm. Người đề xuất toàn dân một tháng nhịn ăn ba bữa để dành gạo giúp đồng bào bị đói, thì chính bản thân Người “xung phong nhịn ăn trước”; Người kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất diệt giặc đói, thì sau mỗi ngày làm việc Người cuốc đất trồng rau, trồng màu; Người khởi xướng phong trào “Trồng cây gây rừng”, “Tết trồng cây”, thì từ năm 1960 cho đến năm cuối đời Người về cùng với nhân dân trồng cây; Người dạy phải chống chủ nghĩa cá nhân, thì Người nêu gương chống sùng bái cá nhân, không coi mình là bậc vĩ nhân, không để cái tôi cao hơn tất cả; Người khuyên cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính”, thì tự Người đi đầu trong phong cách sống giản dị, trong sạch, thanh cao; Người dặn làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ về mình trước và chính Người là tấm gương sống trong dân, sống như dân, cả cuộc đời chỉ sống để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chứ không phải sống cho bản thân mình…
Tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh có sức lan tỏa rộng lớn và trở thành bộ phận quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục ban hành Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, đây vừa là quyết tâm học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa là yêu cầu tất yếu, đồng thời là niềm tin, kỳ vọng của Đảng đặt vào sự nêu gương nói đi đôi với làm ở cán bộ, đảng viên. Nhân dân sẽ so sánh giữa lời nói với việc làm, giữa lời hứa với hành động của từng cán bộ, đảng viên, qua đó để đánh giá uy tín và gửi gắm niềm tin vào Đảng. Nói đi đôi với làm; nói ít, làm nhiều; thậm chí làm mà không nói phải trở thành phương châm trách nhiệm nêu gương trong cuộc sống và trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên nói chung, người giữ cương vị đứng đầu các cấp nói riêng hãy nêu gương bằng hành động và thông qua hành động như lời Người nhắc nhủ: “Thượng đế ban cho hai con mắt để nhìn, hai lỗ tai để nghe, hai lỗ mũi để thở và chỉ cho một cái miệng để nói. Nên các chú nói ít thôi!”.
NGUYỄN QUANG PHI