CHỐNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH"

Chủ động đối thoại, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền

Thứ Hai, 10/12/2018, 16:20 [GMT+7]
In bài này
.

Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới xác định, cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế về quyền con người (QCN) nhằm thúc đẩy thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm QCN, đẩy mạnh đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng, khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Theo PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu QCN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Việt Nam đã thực hiện tích cực chủ trương được đề ra từ Đại hội X, theo đó “chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì QCN”, “sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề QCN”. Không chỉ thông qua các hoạt động của Bộ Ngoại giao để hợp tác và đối thoại về nhân quyền, Việt Nam cũng mở rộng thực hiện đối thoại và trao đổi qua kênh học giả. Trước đây, thông qua mối quan hệ hợp tác với Viện Nhân quyền và Luật nhân đạo Thụy Điển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng giới thiệu văn kiện về việc Việt Nam tôn trọng QCN trên thực tế... 

PGS, TS Tường Duy Kiên khẳng định, chưa bao giờ Việt Nam có được vị thế quốc tế như hiện nay. Cùng với những thành tựu và tiến bộ trong lĩnh vực bảo đảm QCN, thế giới đã có những nhìn nhận tích cực và đúng đắn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Qua trao đổi với các học giả Mỹ, có thể thấy, họ đã thay đổi quan điểm, khác hẳn so với trước về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Sự tham gia và hợp tác tích cực của Việt Nam trong sứ mệnh chung thúc đẩy nhân quyền trên thế giới cũng góp phần tăng cường hiểu biết, thu hẹp bất đồng với các nước về vấn đề này. Qua đó, chúng ta chứng tỏ cho thế giới thấy, đất nước Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên càng ý thức sâu sắc hơn về giá trị của con người, về quyền làm người và quyền được sống trong độc lập, tự do. 

Tại hội nghị chuyên đề kỷ niệm 70 năm Ngày nhân quyền quốc tế tổ chức mới đây ở tỉnh Hòa Bình, các đại biểu đã nêu bật những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ QCN trên thế giới. Với vai trò là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò, tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về QCN; đồng thời tham gia ngày càng nhiều các công ước quốc tế về QCN. Việt Nam cũng tham gia 21 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 5 công ước cơ bản về các vấn đề lao động, việc làm, như: Lao động trẻ em, lao động cưỡng bức… 

Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động tham gia trực tiếp vào nỗ lực chung gìn giữ hòa bình và bảo vệ QCN của LHQ. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cử 90 sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đặc biệt năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên cử bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 thành viên thực thi nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 trước Hội đồng nhân quyền LHQ. Sự tham gia của Việt Nam vào cơ chế UPR cho thấy, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền. Kể từ các lần rà soát ở chu kỳ trước, qua các chuyến thăm Việt Nam của các báo cáo viên đặc biệt LHQ về quyền văn hóa, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền lương thực, nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về những lĩnh vực này đã được ghi nhận. Sự hợp tác, trao đổi thẳng thắn của các cơ quan Chính phủ, các địa phương và các tổ chức phi chính phủ cũng được đánh giá tích cực. Trên thực tế, việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác dụng tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về QCN, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về QCN. 

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về QCN ở Việt Nam, theo PGS, TS Tường Duy Kiên: Việt Nam đã có hệ thống quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng về vấn đề này, tất cả đều dựa trên nguyên tắc vì con người. Việt Nam nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền mà một trong những nguyên tắc là tôn trọng và bảo vệ QCN. Có thể thấy, càng về sau, số lượng các quy định về QCN càng nổi bật trong các văn kiện. Vấn đề QCN được quy định ở hầu hết các điều khoản của Hiến pháp, quy định của pháp luật. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, tất cả các bộ luật như: Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng dân sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Báo chí, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin… đều được tiếp cận theo hướng bảo vệ QCN.

PGS, TS Tường Duy Kiên cho biết, chuẩn bị tổng kết Cương lĩnh xây dựng đất nước, các cơ quan chức năng sẽ đóng góp thêm để vấn đề QCN nổi bật hơn nữa trong các văn kiện Đại hội XIII, nhất là vấn đề tuyên truyền giáo dục về QCN. Tuy nhiên, PGS, TS Tường Duy Kiên cũng chỉ ra một số thách thức đối với nỗ lực bảo đảm QCN ở Việt Nam, như: Một trong những thách thức lớn nhất là việc Việt Nam vẫn còn là nước có thu nhập trung bình. Kinh tế không phát triển tốt thì khó có thể bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội của người dân. Hệ thống bệnh viện, trường học của Việt Nam hiện nhiều nơi còn trong tình trạng quá tải, làm ảnh hưởng tới quyền được chăm sóc sức khỏe và học hành của người dân...

MỸ HẠNH

;
.