Nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu
Nêu gương-đòi hỏi tất yếu đối với cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu, một lần nữa lại được bàn bạc, thống nhất cao tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Đồng chí Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, trao đổi với đồng chí Nguyễn Trọng Quế, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 4 (phường 12) về công tác xây dựng Đảng. |
NÊU GƯƠNG - YÊU CẦU KHÁCH QUAN ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và coi đó là phương thức lãnh đạo tối ưu, đặc trưng và hiệu quả nhất của Đảng. Nêu gương là sự tiên phong, là làm “mực thước” cho mọi người noi theo, làm theo. Nêu gương có sức mạnh lan tỏa to lớn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Nêu gương là phẩm chất cần có và phải có ở người cán bộ, đảng viên. Bởi sứ mệnh lịch sử trao cho Đảng là lãnh đạo giành độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Để làm tròn trọng trách cao cả đó, như một lẽ tự nhiên, cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong, nói trước, làm trước, hy sinh trước để tạo uy tín, niềm tin, bản lĩnh và sức mạnh của Đảng. Đảng viên được xác định là chiến sĩ cách mạng tiên phong, có nhiệm vụ lãnh đạo, tập hợp, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, vì vậy phải có bổn phận “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người cán bộ, đảng viên sống có đạo đức, hết lòng vì dân, vì nước thì quần chúng nhân dân tín nhiệm, quý trọng, ủng hộ, điều đó đồng nghĩa với phong trào cách mạng sẽ thành công; Ngược lại, đó là nguy cơ lớn dẫn đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Là đảng viên phải hơn quần chúng cả về nhận thức và hành động, đó là yêu cầu nghiêm khắc của Đảng, là đòi hỏi chính đáng của nhân dân, nhưng rất tiếc, hiện nay vẫn không ít cán bộ, đảng viên không hơn quần chúng, thậm chí còn là tấm gương xấu, đã và đang làm cho thanh danh, uy tín, sức mạnh của Đảng giảm sút. Lịch sử tiếp tục đặt lên vai người cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm “Muốn nhân dân tin thì phải nêu gương”! Đó là mệnh lệnh của Đảng; Lòng mong muốn, sự kỳ vọng của nhân dân; Là nhiệm vụ, vinh dự, lòng tự trọng của người cộng sản chân chính.
CHỨC VỤ CÀNG CAO TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CÀNG LỚN
Người cán bộ đứng đầu là người có trách nhiệm cao nhất trong tổ chức, có trọng trách lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích: Sinh ra người đứng đầu là để họ phụ trách, để họ chịu trách nhiệm và như Người nói “là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Do vậy, nêu gương, hãy bắt đầu từ những người đứng đầu, bởi họ có tầm ảnh hưởng rộng lớn, mang tính quyết định đến sự thành bại của một đơn vị, một địa phương, một ngành, thậm chí của quốc gia, dân tộc. Nếu cán bộ, đảng viên đều là những tấm gương sáng, thì người đứng đầu phải là tấm gương sáng nhất. Với cương vị đứng đầu mà mẫu mực, sẽ có sức mạnh dẫn dắt, lan tỏa cái đẹp rộng lớn xuống cấp dưới, vào nhân dân, nhưng ngược lại nếu là “tấm gương mờ, nêu gương suông” thì hiệu ứng lây lan ảnh hưởng tiêu cực rất rộng, rất nhanh đến tất cả cán bộ, đảng viên.
Hiện nay, bức tranh nêu gương vẫn còn nhiều gam màu khác nhau, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời khai mạc Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đánh giá: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cao cấp cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Để nêu gương trở thành hành động tự giác của mọi người, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác giáo dục, thuyết phục, vận động kết hợp với những giải pháp ràng buộc đủ mạnh để nâng cao ý thức; Làm cho nêu gương – một giải pháp “đức trị” trở thành nếp sống văn hóa trong cán bộ, đảng viên. Đảng và nhân dân luôn có niềm tin: Cán bộ, đảng viên nói chung, người giữ trọng trách quản lý, lãnh đạo nói riêng tự nguyện soi mình vào những quy định về trách nhiệm nêu gương để chỉnh sửa bản thân thành những tấm gương chuẩn mực. Một người tốt, một việc tốt ra đời không chỉ đẩy lùi cái xấu, mà còn góp phần xây dựng Đảng trở thành “lương tâm, danh dự, trí tuệ của thời đại”, “Là đạo đức, là văn minh” trong lòng dân tộc, xứng tầm với sứ mệnh lịch sử giao phó.
NGUYỄN QUANG PHI