Siết chặt trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng
Ngày 13-11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận. |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, 2018 là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng có nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2018, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được chú trọng xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức. Tuy vậy, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.
Từ thực tiễn đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc. Các đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Việc làm luật, sửa luật chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng. Dù ở các nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm pháp luật vẫn có kẽ hở. Do vậy, cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Đại biểu nhấn mạnh, pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, người biết luật, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn.
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giải trình rõ hơn vì sao công tác này không đạt được hiệu quả bằng năm 2017.
Về phương hướng, nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải lên kế hoạch, biện pháp cụ thể hơn để sớm hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra trong từng năm và cần có cam kết cụ thể, rõ ràng trong từng nhiệm vụ.
THU PHƯƠNG