Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 15-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đặt vấn đề đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc..., đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế, nhưng toàn bộ dự án Luật không có bất cứ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập. Tuy các em được học Tiếng Anh từ rất sớm nhưng nhiều trường hợp không thể sử dụng được Tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT. Nhiều bạn trẻ sinh vào năm 2000, khi đất nước đã đi được một chặng đường hội nhập khá dài, vẫn chưa thông thạo Tiếng Anh, cho thấy mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai. Nó sẽ còn chông gai hơn nếu không chế định Tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong hệ thống giáo dục như Singapore hay Philippines từng làm.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, đời người chỉ có một thời gian ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường, do đó những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại, cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Bởi nếu chưa thể đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc, chí ít cũng cần tạo được một nền tảng vững chắc của đạo luật này để thế hệ trẻ hiện thực hóa lời căn dặn của tiền nhân. Chất liệu chính của một triết lý giáo dục có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường; thiếu triết lý giáo dục cũng góp phần làm đất nước thiếu đi một triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy về giáo dục. Đại biểu mong Quốc hội sẽ mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn điều kiện và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - một triết lý giáo dục đúng tầm đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu thực trạng hiện nay, nhiều học sinh sợ học, vì các em bị bắt buộc trở thành những con người giỏi, cả gia đình, xã hội đều đặt nặng lên đôi vai của các em. Phương pháp dạy học trong các nhà trường vẫn còn một số hạn chế, mang nặng tính hàn lâm, kinh điển, rất nặng nề, quá tải. Đại biểu băn khoăn: “Thử hỏi trong số các học sinh giỏi văn quốc gia mấy ai trở thành nhà văn? Hay chúng ta chỉ nên dạy cho học sinh các kiến thức cần thiết, kỹ năng, để các em tự do sáng tạo, phát huy được năng lực cá nhân”. Đại biểu kiến nghị, cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị cần cải cách phương thức làm sách giáo khoa. Kiến thức sách giáo khoa các môn học từ THCS trở xuống phải là kiến thức cơ bản, mang tính nền tảng, hệ thống, có tính ổn định tối thiểu 3-5 năm, không thay đổi hàng năm như hiện nay. Còn sách giáo khoa THPT, do phương pháp xây dựng truyền tải kiến thức về kinh tế, xã hội cần được cập nhật liên tục cùng sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, nên kiến thức trong sách giáo khoa chỉ cần đáp ứng yêu cầu tối thiểu của môn học; kiến thức còn lại do giáo viên chủ động bổ sung…
Cũng liên quan đến nội dung về sách giáo khoa, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho rằng, ý tưởng chọn sách giáo khoa có tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh là tốt, tuy nhiên cần nghiên cứu lại vì không phải phụ huynh nào, học sinh nào cũng có đủ thông tin, năng lực để đánh giá chương trình, sách giáo khoa. Bộ GD-ĐT cần có trách nhiệm, vai trò chủ đạo trong biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về việc phân luồng trong giáo dục phổ thông; chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm; vai trò, nhiệm vụ của cán bộ quản lý giáo dục...
PHÚC HẰNG