Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm khi tham gia CPTPP

Thứ Hai, 05/11/2018, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 5-11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. “Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo khi tham gia CPTPP” là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề trên.

Việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty May Tân Mỹ (TX. Phú Mỹ). Ảnh: QUỐC THÁI
Việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty May Tân Mỹ (TX. Phú Mỹ). Ảnh: QUỐC THÁI

NHIỀU TIỀM NĂNG CŨNG NHƯ THÁCH THỨC KHI THAM GIA CPTPP

Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. 

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Về mặt kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đánh giá, tham gia CPTPP, Việt Nam có nhiều cơ hội, bởi đây là thị trường rất lớn với 11 quốc gia có tổng GDP 11 ngàn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu là 10 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu; dân số thị trường là 500 triệu dân. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam như đánh giá của Chính phủ chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu một số lưu ý: “Đây là thị trường rất khó tính, bởi vì thu nhập bình quân đầu người rất cao. Như vậy, khi chúng ta đã quen với các sản phẩm giá rẻ thì sẽ khó đi vào khu vực này. Bởi khu vực này yêu cầu chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh và yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ...”.

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về những thách thức, khó khăn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là, thực tiễn thương mại song phương, đa phương có thể gặp một số khó khăn. Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói chung. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số DN lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động...

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, điều đó có nghĩa nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Nếu muốn ổn định, đương nhiên chúng ta phải giữ được cam kết quốc tế, thị trường bên ngoài. Nên tham gia CPTPP là cơ hội rất lớn, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn. 

“Thời điểm này, chúng ta không cần dành nhiều thời gian cho việc thảo luận có nên hay không nên tham gia CPTPP. Mà quan trọng nhất là bây giờ cần làm rõ xem, chúng ta sẽ hành động như nào để tập trung được những lợi thế, những cơ hội có thể có được khi tham gia CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

BẢO ĐẢM LỢI ÍCH CỐT LÕI QUỐC GIA

Tại hội trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình thêm trước Quốc hội một số vấn đề liên quan về đánh giá tác động, lao động và sửa đổi một số luật khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình đàm phán, bằng nhiều hình thức, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhiều ngành hàng, DN chịu tác động chính của CPTPP. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập quốc tế cũng có những nghiên cứu rất sâu về CPTPP, trong đó có kinh tế Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quan trọng để chúng ta đánh giá tác động. “Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, và chúng ta cũng đã giành được các bảo lưu và linh hoạt cụ thể để tham gia CPTPP hiệu quả và có lợi cho đất nước. Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng ngành cụ thể; đồng thời xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.

XUÂN TÙNG

;
.