Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã chia sẻ với báo chí về những dấu ấn của Tổng Bí thư Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng Bí thư Đỗ Mười duyệt đội danh dự tại lễ đón sáng 27-11-1995, tại Đại Lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. |
Về dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại, tôi không thể kể hết được, nhưng không thể không nói đến ý kiến quyết định của đồng chí đối với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bước mở đầu quá trình đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Cuối năm 1991 đầu 1992, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, các văn kiện về lập lại hòa bình ở Campuchia được ký kết, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã thăm các nước ASEAN nhằm cải thiện và thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Trong dịp này, một số nhà lãnh đạo ASEAN gợi ý Việt Nam xem xét vấn đề gia nhập ASEAN. Đồng chí Võ Văn Kiệt trao đổi với chúng tôi, các thành viên trong Đoàn để thống nhất ý kiến về báo cáo với Bộ Chính trị. Khi về nước, đồng chí giao cho tôi đến báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Đỗ Mười nói ngay: “Tình hình đã thay đổi, căn cứ kết quả chuyến đi thăm của anh Kiệt với thái độ của các nước ASEAN đã thay đổi so với mấy năm trước khi còn vấn đề Campuchia. Họ lại chủ động hợp tác để đưa khu vực phát triển. Lúc này, ta gia nhập ASEAN là thích đáng. Gia nhập ASEAN sẽ làm tăng thêm sức mạnh của ta, tăng thêm vị thế của ta”. Vấn đề sau đó được đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua.
Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng như khi làm Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến công tác ngoại giao, vì đây là một trong 3 lĩnh vực đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Đồng chí rất chú ý những hội nghị quốc tế ta tham dự như: Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị phong trào không liên kết, các hội nghị ASEAN.... Do vậy, mỗi lần tôi đi họp về, đồng chí thường chủ động yêu cầu tôi báo cáo diễn biến, kết quả hội nghị và trao đổi ý kiến với tôi về những vấn đề cần báo cáo Bộ Chính trị.
Với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại, tôi thường tháp tùng đồng chí trong các chuyến thăm chính thức các nước. Mỗi chuyến đi để lại cho tôi một số kỷ niệm nhất định. Song có một chuyến thăm để lại cho tôi ấn tượng khó quên, đó là chuyến thăm Hàn Quốc. Trong hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc có một việc đồng chí không hề đề cập, không nói ra nhưng phía Hàn Quốc lại rất chú ý. Sau hội đàm, trong một cuộc gặp riêng với đồng chí, Tổng thống Hàn Quốc thẳng thắn và chân thành nêu: “Tôi rất cảm phục sự tế nhị của người Việt Nam. Có một việc do lịch sử để lại, tuy trong hội đàm, ngài Tổng Bí thư không đề cập đến vì tế nhị nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng. Đó là việc quân đội Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và đã gây nhiều thiệt hại cả về người và của cho nhân dân Việt Nam. Đó là món nợ mà chúng tôi phải trả. Tôi hứa với ngài Tổng Bí thư sẽ yêu cầu các bộ, ngành, các Tập đoàn và công ty Hàn Quốc hợp tác tốt với Việt Nam để trả món nợ này. Mong ngài Tổng Bí thư thông cảm”.
Chúng tôi được biết ngay sau chuyến thăm của đồng chí Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập đại diện các bộ, ngành và tập đoàn, công ty Hàn Quốc giao trách nhiệm. Điều trăn trở này cũng đã được Tổng thống Hàn Quốc nêu với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc Thủ tướng sang thăm Hàn Quốc. Trên thực tế, đúng như Tổng thống Hàn Quốc đã hứa, chỉ một thời gian ngắn sau ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã đưa quan hệ với Việt Nam phát triển. Có thể nói, với tốc độ kỷ lục nhanh chóng, Hàn Quốc trở thành một nước đầu tư trực tiếp hàng đầu vào Việt Nam, quan hệ thương mại nhanh chóng được mở rộng.
Đồng chí Đỗ Mười, một người học trò tốt của Bác Hồ, luôn tiếp thu và làm theo đạo đức của Bác; một người lãnh đạo cần, kiệm, liêm chính. Đồng chí Đỗ Mười rất ham học, ham đọc, đọc rất nhiều loại sách, đặc biệt là các sách về lý luận Mác - Lênin, các tác phẩm của Bác Hồ. Khi đến thăm đồng chí, nhiều người được nghe đồng chí nói về những vấn đề mình đang bức xúc đang suy nghĩ, hoặc những đoạn sách đồng chí vừa mới đọc đang thích thú. Đồng chí thường đối chiếu những điểm lý luận ghi nhận được từ các tác phẩm về chủ nghĩa Mác- Lênin, đặc biệt từ bài nói, bài viết của Bác với những việc ta đang làm, những chủ trương ta đang thực hiện và không ngần ngại chia sẻ ý kiến của mình về đánh giá, nhận xét với người đối thoại. Tác phong đó, nếp nghĩ đó gắn bó chặt chẽ với cuộc đời đồng chí từ những ngày đương chức cũng như sau này. Chính qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi đó, người đối thoại với đồng chí được bồi dưỡng thêm kiến thức. Tôi là một trong những người có may mắn đó.
HỒNG ĐIỆP (Ghi)